Cơ hội phát triển cho ngành lương thực, thực phẩm

Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:21, 03/04/2023

(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành lương thực, thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh vẫn tăng trưởng và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ tại thị trường nội địa. Đây là cơ hội để doanh nghiệp thành phố khẳng định chỗ đứng trên thị trường; đồng thời, hướng đến kinh tế xanh để phát triển bền vững.

Đóng gói sản phẩm trứng gà tại Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, quận 12 (thành phố Hồ Chí Minh).

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của 4 nhóm ngành trọng điểm; trong đó, ngành chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng tới 25,2%.

Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, sự tăng trưởng trong sản xuất của nhóm ngành lương thực, thực phẩm, đồ uống chủ yếu do nguyên nhân từ sự phục hồi tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, chỉ số sản xuất của ngành đồ uống trong 3 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng lên tới 53,7%. Trong khi đó, ngành sản xuất, chế biến thực phẩm cung ứng nhiều mặt hàng chất lượng, có tính cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa. Cụ thể, doanh thu bán lẻ nhóm hàng lương thực, thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh trong 3 tháng đầu năm tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang dần phát triển đi vào chiều sâu. Ngoài những tiêu chuẩn cơ bản, người tiêu dùng còn rất quan tâm đến xuất xứ, nguồn gốc, an toàn sử dụng hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng do các cơ quan chuyên môn công nhận. Đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến độ tươi ngon, thành phần dinh dưỡng…

Hiện nay, tỷ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO...) cung cấp cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh khá lớn: Thịt đạt hơn 321 tấn/ năm; rau, củ, quả hơn 272 tấn/ năm; sản phẩm thủy sản hơn 25 tấn/năm; trứng gia cầm đạt hơn 59% tổng sản lượng cung ứng thị trường.

Kết quả từ cuộc khảo sát mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác cho thấy, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, thân thiện môi trường (nhãn xanh)… Đặc biệt, cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, nhiều người tiêu dùng ưu tiên mua các thực phẩm Organic, Bio Organic, thực phẩm áp dụng theo cách nuôi trồng truyền thống, không gây hại đến môi trường. Đây được coi là xu thế lựa chọn mới của người tiêu dùng trong nước, khi tìm đến các sản phẩm xanh, có quy trình sản xuất, chế biến thân thiện môi trường hơn.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cho biết, các nhà sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tại thành phố Hồ Chí Minh đã thích ứng nhanh với những thay đổi thói quen tiêu dùng. Một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm tại thành phố đã bắt đầu hướng đến kinh tế xanh. Đây là tín hiệu tích cực cần được nhân rộng để hướng đến phát triển, tăng trưởng bền vững.

Còn Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho hay, hầu hết doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống đã bắt nhịp được xu hướng tiêu dùng xanh, sạch nên rất chú trọng đến chất lượng và an toàn cho sức khỏe.

Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, thành phố đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12%. Qua đó, thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống xây dựng thương hiệu; hỗ trợ kết nối giao thương, tiếp cận và đổi mới công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường nội địa; thu hút các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy ngành lương thực, thực phẩm và công nghiệp chế biến phát triển nhanh, bền vững.

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Lê Huỳnh Minh Tú thông tin, ngành Công Thương thành phố đang xây dựng chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, thành phố sẽ nghiên cứu, khảo sát mô hình, kết nối vùng nguyên liệu, tìm kiếm địa điểm xây dựng kho lạnh, khu dự trữ, bảo quản tại các địa phương thuộc miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững.

Nguyễn Lê