Ngọc Hà - vùng đất cổ
Xã hội - Ngày đăng : 08:23, 02/12/2007
Chùa Một Cột, một trong những di tích văn hóa của vùng đất Ngọc Hà. Ảnh: Nhật Nam
Tìm trong di sản
Sách “Hà Nội nghìn xưa” của Trần Quốc Vượng, Vũ Tuân Sán viết: “Giai đoạn Đông Sơn, hay mở đầu thời đại Đồ Sắt, từ khoảng 2500 năm đến 2000 năm cách ngày này. Đại biểu giai đoạn này ở HN là các di tích gò chùa Thông (Thanh Trì), ... và thành Cổ Loa lịch sử... cộng vào đó là trống đồng Ngọc Hà, trống đồng Trung Màu... đều thuộc loại 1 cổ xưa nhất”. Điều đó chứng tỏ từ xưa lắm đã có cư dân lập nghiệp ở vùng NH.
Theo truyền thuyết về đền Đống Nước và hồ Bạch Nhạn thì xa xưa vùng này trũng, ngòi lạch ao hồ ngang dọc. Chỗ “công chúa Ngọc Nương” về thủy cung có cột nước phun trào, dân gian gọi Đống Nước. Nước thường dâng, thương khách qua thấy đất thiêng đã cùng dân lập miếu thờ Ngọc Nương công chúa. Sau, thời Lý Trần, gọi là sông Ngọc, chắc chỉ là con ngòi nhỏ chảy trong Cấm Thành và Hoàng Thành, quanh co nối với các ao hồ, vừa tạo cảnh quan, vừa tiêu nước ra sông Tô qua cống vào mùa mưa.
Đại Việt sử kí toàn thư (TT) viết về đoạn Lý Thái Tông, tức khi vua Lý Thái Tổ về Thăng Long được 25 năm: “ất Hợi, Thông Thụy năm thứ hai (1035) mở chợ Tây Nhai với hành lang dài”. Chợ ở đâu, sách không nói rõ, nhưng theo cô giáo sử Trần Quốc Vượng thì “Thăng Long thời Lý là một thành thị phong kiến. Trong thành ngoài thị, trong là Hoàng Thành hay Phượng Thành. Ngoài bốn cửa thành là chợ, to nhất là chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, rồi đến chợ Cửa Tây. Chợ Cửa Tây nay là chợ Ngọc Hà”. Sau đấy 14 năm đời Lý Thái Tông, TT lại chép: “Kỷ Sửu, năm thứ 6 (1049) mùa đông, tháng 10 dựng chùa Diên Hựu. Trước đấy vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy đem việc đó nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành. Sư Thiện Tuệ khuyên làm chùa dựng cột đá ở giữa ao làm tòa sen của Phật Quan Âm ngồi trên cột, giống như đã trông thấy trong mộng, cho các sư lượn xung quanh tụng kinh cầu cho vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu”. Đây chính là chùa Một Cột còn đến ngày nay.
Sách lại chép về đời Lý Nhân Tông: “Canh Thân năm thứ 5 (1080), mùa xuân, tháng 2, đúc chuông lớn cho chùa Diên Hựu, chuông đúc xong đánh không kêu, cho là đã thành khí không nên tiêu hủy, người bấy giờ gọi là chuông Quy Điền”. Đây là một trong “An Nam tứ đại khí” cùng với tháp Báo Thiên, vạc Phổ Minh, tượng Di Lặc. Nhưng năm 1426, bị Lê Lợi hãm trong thành Đông Quan, quân Minh phá chuông để đúc vũ khí. Sách lại ghi về năm 1101, vẫn thời Lý Nhân Tông, việc chữa chùa Diên Hựu.
Trong truyền thuyết, NH gắn với Thập Tam Trại. Công chúa con vua Lý Thái Tông chơi sông Thiên Đức, thuyền đắm không thấy thi thể. Chàng trai Hoàng Phúc Trung người Lệ Mật lao mình xuống nước, giành giật với thuồng luồng, vớt được xác nàng lên. Được vua trọng thưởng, chàng chỉ xin được đem dân nghèo vùng mình vượt sông sang khai phá vùng đất phía Tây kinh thành, lập nên 13 trại trong đó có NH. Hiện đình Vĩnh Phúc, gọi là đình Thái Tể, thờ thần hoàng Hoàng Phúc Trung. Và cứ ngày 23 tháng 3 hội làng Lệ Mật, dân Thập Tam Trại lại qua sông quy cố hương.
Đến ngày hăm ba tháng ba
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Không thể đem khoa học lịch sử để lý giải truyền thuyết dân gian, nhưng như thế, trong tâm thế người đời, NH đã nằm trong vùng địa linh nhân kiệt của Thăng Long rồi.
Di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp. Ảnh: Trung Kiên
Theo tư liệu, thời Trần Anh Tông, khu Bách Thảo, NH ngày nay đã có “Ngũ bách hoa viên”, sưu tập 500 loài lan từ Chiêm Thành, Chân Lạp, Trung Hoa, Xiêm... Sang thời hậu Lê, Cấm Thành nới rộng về phía tây. Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức 1490 vẽ tường phía này giới hạn từ Liễu Giai vuông góc với Cống Đõ (làng Hồ Khẩu). Vòng Hoàng Thành khuôn cả vùng Giảng Võ – Ngọc Khánh, cho thấy trong Cấm Thành và Hoàng Thành có Ngọc Hà, tất nhiên dân không thể ở. Bản đồ vẽ năm 1770 vẽ cung điện nằm trước điện Vạn Thọ về phía nam, chú “Ngọc Hà”.
Sang cuối thời Lê Trung Hưng, NH gọi phường Khán Xuân, sinh ra bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, có chợ đêm nổi tiếng. Ngụ lại, chắc chỉ là tướng lĩnh, quan lại và binh sĩ.
1805 nhà Nguyễn phá thành Thăng Long mà các triều trước xây, thu hẹp lại theo hình vuông nhô ra 8 góc, mỗi chiều khoảng hơn cây số. Giới hạn tường phía tây chỉ đến giáp đường Hùng Vương ngày nay. Kể từ đấy, trên vùng đất mênh mông phía tây từ NH đến Cống Vị sang Giảng Võ, dân cư Thập Tam Trại đông đúc dần...
Văn Sáu (còn nữa)