Suy nghĩ về vấn đề tự phê bình và phê bình trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tiếp)
Chính trị - Ngày đăng : 08:15, 20/11/2007
5. Phương pháptự phê và phê bình, theo Bác là “Tự phê bình là nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của mình”, “Phê bình là nêu ưu điểm vạch khuyết điểm của đồng chí mình”; “Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau” (13).
Nếu bản thân mình không thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình thì cũng như tấm gương mờ, làm sao có thể thấy và phê bình cho đúng khuyết điểm của đồng chí. Tự phê bình cũng chính là phê bình, là tự tách mình ra khỏi mình để nhìn lại mình, thấy ra ưu điểm để phát huy và khuyết điểm để sửa chữa. Còn phê bình cũng lại là tự phê bình, bởi qua phê bình đồng chí mà mỗi cán bộ, đảng viên thể hiệnđồng thời nhìn lại mình một cách đầy đủ hơn. Tiếp thu phê bình một cách chân thành lại là tự phê bình nghiêm chỉnh. Đây là một quan điểm mang tính biện chứng rất sâu sắc về mối quan hệ tự phê bình và phê bình.
Hoạt động tự phê bình và phê bình đối với Đảng có ý nghĩa rất quan trọng. Song, nó chỉ thật sự có ý nghĩa nếu nó được tiến hành một cách thiết thực, có hiệu quả. Ngược lại, nếu hoạt động ấy được tiến hành một cách hình thức, thậm chí bị lợi dụng vì những mục đích không chính đáng thì bản thân nó đã là khuyết điểm và sẽ làm cho những khuyết điểm trở nên trầm trọng hơn.Thuốc mà được dùng không hợp lý thì có thể làm bệnh trầm trọng thêm. Với tầm quan trọng của nó, tự phê bình và phê bình phải là hoạt động được thể hiện tập trung để đạt tới tính cách mạng, tính khoa học và tính nhân văn.
Phê bình phải có phương pháp. “Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa” (14); làm cho người được phê bình tự mình thấy ra khuyết điểm để từ đó tự sửa chữa,tức là tự giác, vui lòng thành tâm sửa đổi chứ không phải “bị cưỡng bức mà sửa đổi”. Có như thế phê bình mới đạt mục đích, mới có tác dụng thực sự.
Bác đã chỉ ra những thái độ cần thiết của người phê bình. Đó là : “rõ ràng”, thiết thực”, “ráo riết”, “triệt để”, “thật thà”... Bác chỉ rõ: “Phê bình không phải là để công kích, để nói xấu, để chửi rủa” (15), “chớ dùng những lời lẽ mỉa mai, chua cay, đâm thọc” (16).
Thái độ “khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ để công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí” (17) không phải là biểu hiện của “tình đồng chí”mà là sự xuyên tạc ý nghĩa của phê bình, là đi ngược lại bản chất giá trị nhân văn của nó, là căn bệnh cần phải khắc phục.
Bác nhấn mạnh phê bình cốt để sửa chữa, cốt để giúp nhau tiến bộ, do đó không được “làm đồng chí khó chịu, nản lòng” (18). Người được phê bình cần có tinh thần cầu thị, “thật thà cố gắng tự sửa chữa”, “phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét” (19). Thái độ khi được phê bình cũng là biểu hiện của bản lĩnh của người cộng sản.
Trong phê bình cần đặc biệt khắc phục thái độ “nể nang không phê bình”. Thái độ này dẫn tới hai hậu quả, hoặc là làm “cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc” (20), thế là có tội với đồng chí của mình, có tội với Đảng; hoặc là đưa tới tình hình “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng” gây mất đoàn kết trong Đảng. Phải chăng thái độ nể nang trong phê bình đang là hiện tượng phổ biến trong sinh hoạt Đảng? Bác chỉ rõ thái độ này thường xảy ra khi cấp dưới phê bình cấp trên, nhưng hôm nay, không chỉ có thế, mà ngay đồng cấp cũng vậy. Còn cấp trên có nể nang trong phê bình cấp dưới hay không, nếu có chắc chắn do “cùng hội, cùng thuyền” vì một quyền lợi nào đó. Nguyên nhân của thực trạng trên là chưa tạo được không khí dân chủ, bình đẳng trong phê bình vì công việc chung, cấp trên chưa gương mẫu lắng nghe những lời góp ý của cấp dưới.
“Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình... thế là một hiện tượng xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ.Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản” (21).
Điều Bác chỉ ra 60 năm trước, hôm nay vẫn hiện tồn như một hiện thực khó thay đổi. Chỉ xem qua việc quần chúng góp ý cho đảng viên tại một vài cơ quan, đơn vị trong quy trình thực hiện giai đoạn hai cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đủ thấy điều Bác nói, hôm nay vẫn đúng, “họ không dám nói, họ sợ”bị trù úm (trong phiếu xin ý kiến, quần chúng đều đánh giá cán bộ, đảng viên trong cơ quan mình tốt trở lên). Chỉ qua một động thái tưởng như nhỏ, lại chứa đựng một vấn đề lớn lao. Đó là mở rộng, phát huy dân chủ hay đang có những trở lực thủ tiêu dân chủ trong đấu tranh phê bình. Mà tự phê và phê bình lại là vũ khí xây dựng Đảng, là động lực nâng tầm văn hóa trong đời sống Đảng. ở lĩnh vực này, chúng ta có lỗi với Bác, 60 năm rồi vẫn còn có những cấp dưới sợ cấp trên không dám góp ý phê bình. Tính hiệu quả hay hình thức của cuộc vận động cũng thể hiện trong vấn đề này.
Trong bối cảnh hôm nay, khi cấp trên đã có bản lĩnh phê bình cấp dưới, thì cũng phải đủ bản lĩnh lắng nghe ý kiến phản biện, góp ý, phê bình của đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào để nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thiện nhân cách và phương pháp làm việc. Theo Bác: “Phê bình đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm” (22).
6. Đảng ta “là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, “đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào” (23); “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất cứ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân” (24). Do đó, cán bộ, đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó thì cũng tức là thực hiện nhiệm vụ mà nhân dân giao phó; phụ trách trước Đảng và Nhà nước cũng tức là phụ trách trước nhân dân. Tiêu chí căn bản, cốt lõi nhất để đánh giá cán bộ là hiệu quả công việc được giao của họ.
Không chỉ thực hiện tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng mà cần phải mở rộng tự phê bình và phê bình vào trong nhân dân. Phải lắng nghe ý kiến của nhân dân. Đó cũng là dân chủ. Điều này là hết sức cần thiết, bởi thứ nhấtĐảng là người đại diện của nhân dân, vì nhân dân mà hy sinh phấn đấu, sai lầm của cán bộ, đảng viên có ảnh hưởng trực tiếp tới nhân dân; thứ hailà vì “tai mắt của họ nhiều, việc gì họ cũng nghe cũng thấy” (25), cái gì họ cũng biết. Lắng nghe ý kiến của dân là biết được cái gì cán bộ, đảng viên làm tốt, cái gì làm chưa tốt.
Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hoạt động tự phê bình và phê bình thực sự là luật phát triểnĐảng. ý nghĩa của tự phê bình và phê bình với tư cách là luật phát triển thật giản dị. Bác viết: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng” (26).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình là sự hòa quyện một cách nhuần nhuyễn cách mạng và khoa học, dân tộc và giai cấp, giá trị truyền thống với tinh hoa văn hóa nhân loại.
Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, thực sự góp phần làm cho Đảng ta ngay từ khi ra đời đã xứng đáng với sứ mệnh lãnh đạo cách mạng mà dân tộc giao phó. Trong điều kiện Đảng cầm quyền hôm nay, cuộc đấu tranh xây dựng Đảng trên phương diện xây dựng con người - đảng viên đang khó khăn và phức tạp hơn nhiều thời kỳ Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền. Cái mất mát khi xưa là máu xương đồng bào, đồng chí để giành độc lập, còn hôm nay, nếu không chỉnh đốn Đảng nghiêm túc, quyết liệt, ráo riết thì cái mất mát sẽ là Đảng tự làm đổ vỡ niềm tin trong nhân dân, sẽ không thực hiện được tôn chỉ là vì quyền lợi của nhân dân mà phục vụ, cũng chính là tự mình xóa bỏ thành tựu gần 80 năm đấu tranh gian khổ, lắm hy sinh, nhiều thắng lợi. Trở lại triết lý Hồ Chí Minh về tự phê bình, phê bình rất giản dị và cụ thể trong xây dựng con người - đảng viên đang là yêu cầu bức thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ X.
Thế giới ghi nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới,điều đó có nghĩa là ở Hồ Chí Minh cách mạng và văn hóahòa quyện thành một chỉnh thể, tư tưởng cách mạng chứa đựng giá trị nhân bản, nhân đạo, nhân văn (chân, thiện, mỹ), đó là giá trị văn hóa sâu sắc; văn hóa mang tính cách mạng triệt để vì sự nghiệp giải phóng con người, giai cấp, dân tộc. Ta có thể thấy rõ điều đó trong tư tưởng của Người về tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là cách mạng, là văn hóa.
Phạm xuân hằng
(Ban Tuyên giáo Thành ủy)
- - - - - - - -
13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, Tr.267.
14 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, Tr.244.
15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, Tr.266.
16 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, Tr.232.
17 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, Tr.258.
18 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, Tr.267.
19 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, Tr.232.
20 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, Tr.261.
21 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, Tr.280.
22 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, Tr.284.
23 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H, 1996, Tr.288.
24 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, Tr.245.
25 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, Tr.296.
26 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, Tr.239.