Làng Giao Tác
Xã hội - Ngày đăng : 11:00, 13/11/2007
Đến giữa thế kỷ XIII, trại này đã phát triển thành cụm dân cư đông đúc, lấy tên Nôm gọi là Quậy Rào, tên chữ là Giao Tác. Đến năm Mậu Thân (1428), cụ Đỗ Tử Lỗi từ Thanh Hóa chuyển đến ở tại Vườn Trên ở phía Nam Giao Tác, lập ra trại Tác Vĩ. Đến đời thứ ba là Đỗ Túc Khang đã chuyển trại Tác Vĩ vào khu vực ngã ba Quậy Rào. Năm Canh Tuất (1790), cụ Đỗ Trắc Lý đứng đầu một số gia đình lập ra xóm trại ở phía ngoài, gọi là trại An Bài.
Tuy đã phát triển thành cụm dân cư đông đúc, như một làng riêng, nhưng Giao Tác (Quậy Rào) vẫn có mối quan hệ mật thiết với hai cụm dân cư khác của làng gốc là Đại Vĩ (Quậy Cả) và Châu Phong (Quậy Sau). Trai đinh trong làng trước đây sinh hoạt trong 5/ 6 giáp của cả làng Quậy, song tập trung đông nhất ở hai giáp : Rào Chính (giáp Giao) và Rào Thịnh (giáp Thịnh), gồm người các dòng họ Nguyễn, Đỗ, Lê. Hai giáp này hợp thành một giáp lớn, gọi là góc Hậu Nam, có chỗ ngồi ở góc sau, phía Nam đình, chịu trách nhiệm tu bổ một góc đình và đảm nhiệm một phần tư các công việc chung (phân công sửa lễ, phục vụ tế lễ, đám rước thờ thành hoàng làng) tại đình chung của cả ba cụm dân cư. Mỗi năm, góc cử ra tám người lềnh (chạ) ở tuổi từ 49 trở xuống lo việc tế tự ở đình (từ 12 đến 30 tháng Giêng), tám người xỉ (dưới tuổi lềnh) giúp việc, bốn người thứ ba chuyên làm cỗ. Lệ vào giáp được tiến hành vào các ngày: mồng 10 tháng Tư; mồng 10 tháng Bảy; 12 tháng Chín và 10 tháng Một (các ngày giỗ thánh). Mỗi dịp này những người mới vào giáp ở mỗi giáp phải sửa một con lợn để làm lễ.
Ngoài ngôi đình chung thờ Thủy Hải, Đăng Giang và Khổng Chúng đều là người làng, có công chiêu mộ quân sĩ theo Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán những năm 40 - 43, Giao Tác còn có nhà thờ của họ Đỗ- một họ lớn từ Bồng Trung (Thanh Hoá) chuyển ra, đến đời thứ hai là Đỗ Hoan sinh được năm người con, trong đó có Tiến sĩ Đỗ Túc Khang - đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức, đời Vua Lê Thánh Tông (năm 1496), làm quan đến Thừa chính sứ. Nhà thờ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1990. Ngay cạnh nhà thờ là điện Bà Cô, thờ bà Đỗ Thị Mỹ Mai (1507 - 1528), là con gái út của Tiến sĩ Đỗ Túc Khang. Từ nhỏ bà rất ham học, văn hay chữ tốt, lại giỏi võ nghệ. Năm Đình Hợi (1527), vừa tròn 20 tuổi, bà xin thay cha làm nhiệm vụ trấn dẹp các toán trộm cướp ở vùng Phổ Yên, Phú Bình (xứ Thái Nguyên), đem lại cuộc sống yên lành cho nhân dân. Sau do tương quan lực lượng chênh lệch, Bà phải lui quân. Giặc đuổi theo, đến cầu sông Trấn Giang, thế cùng, bà gieo mình tự vẫn vào ngày mồng tám tháng Sáu năm Mậu Tý (1528), khi mới 21 tuổi. Thương tiếc Bà, nhân dân nhiều làng xã trong vùng đã lập đền thờ. Họ Đỗ và làng Giao Tác cũng lập đền thờ Bà. Tại đây còn đạo sắc niên hiệu Duy Tân thứ năm (1911), phong cho bà là “Diên Bình công chúa”, cho phép xã Thượng Dã, phủ Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên phụng thờ. Đền đã đuợc xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1990.
Người làng Giao Tác sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng. Năm 1928, đồng chí Nguyễn Văn Cừ từng về Giao Tác dạy học để tránh sự truy lùng của kẻ thù, được gia đình ông Đỗ Văn Đản giúp đỡ, che chở. Khoảng tháng 3 - 1943, tiểu tổ Việt Minh đầu tiên ở Giao Tác và làng là một điểm giao nhận một số báo cách mạng như Cờ Giải phóng, Cứu quốc, truyền đơn của Mặt trận Việt Minh. về làng để tuyên truyền, là nơi hoạt động của nhiều cán bộ “công tác đội” của Trung ương. Từ Giao Tác, phong trào cách mạng lan rộng sang các thôn làng khác, góp phần vào thành công của cuộc cách mạng ThángTám 1945 ở địa phương. Trong hai cuộc kháng chiến, làng có 25 người con hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay, Giao Tác là làng nghề sản xuất các đồ gỗ cao cấp rất phát đạt.
PGS, TS. Bùi Xuân Đính