Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở y tế Hà Nội: “Hà Nội có thể đối phó được với dịch tiêu chảy cấp”

Chính trị - Ngày đăng : 09:56, 03/11/2007

LTS: Mỗi ngày có biết bao sự kiện diễn ra quanh ta, nhưng “Người gặp mỗi ngày” sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về một vấn đề được xem là “nóng” nhất.

LTS: Mỗi ngày có biết bao sự kiện diễn ra quanh ta, nhưng “Người gặp mỗi ngày” sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về một vấn đề được xem là “nóng” nhất. “Người gặp mỗi ngày” có thể là một nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nghiên cứu, cán bộ khoa học và có thể là một người dân bình thường bày tỏ quan điểm về vấn đề đang được bạn đọc quan tâm. Kể từ số báo này, báo Hànộimới sẽ có thêm chuyên mục mới: “Người gặp mỗi ngày”. Hy vọng nhận được sự đóng góp của bạn đọc để “Người gặp mỗi ngày” thêm hấp dẫn.

- Xin ôngcho biết nguồn gốc của bệnh tiêu chảy cấp và tình trạng lây lan của bệnh hiện nay ?

Bệnh tiêu chảy cấp (TCC) nguy hiểm là 1 trong 3 bệnh tối nguy hiểm thuộc diện kiểm dịch quốc tế (tả, dịch hạch và sốtvàng) ký hiệu là A00 do một loại vi khuẩn hình dấu phẩy gây ra. Bệnh lây truyền bằng đường tiêu hóa. Nguyên nhân gây dịch TCC là do người dân ăn mắm tôm, mắm tép, rau sống, gỏi hải sản, nước đá... không bảo đảm vệ sinh. Cách phòng bệnh tốt nhất mà ngành Y tế Hà Nội đã xác định là tuyên truyền cho người dân hiểu, không sử dụng các loại thực phẩm đó. Tuy nhiên, trong 2 ngày qua, số bệnh nhân mắc bệnh vẫn tiếp tục gia tăng và đã xuất hiện ở 67 xã, phường trên địa bàn thành phố.

- Vậy vì sao công tác tuyên truyền, phòng chống bệnh vẫn chưa đạt hiệu quả cao nhất ? Nếu như người kinh doanh vẫn tiếp tục vi phạm buôn bán mặt hàng không bảo đảm VSATTP thì sẽ bị xử lý ra sao ? Và Hà Nội liệu có đủ nhân lực, vật lực để đối phó với bệnh dịch hay không ?

Mấy ngày qua, việc tuyên truyền đã được đẩy mạnh đến người dân. Tuy nhiên, muốn có hiệu quả cũng phải dần dần, không thể ngay một lúc mà 100% người dân hiểu và thực hiện, nhất là vào thời điểm cuối tháng như hiện nay, mọi người vẫn duy trì thói quen ăn thịt chó, mắm tôm. Chỉ khi nào người dân ý thức được không ăn các loại thực phẩm không an toàn mới có thể giảm số người mắc bệnh.

Ngành Y tế đã chỉ đạo Trung tâm y tế quận, huyện phải tăng cường kiểm tra nhiều lần những cơ sở kinh doanh các loại thực phẩm có nguy cơ cao gây dịch để sớm phát hiện và xử phạt. Với các cơ sở kinh doanh tiếp tục tái phạm buôn bán những mặt hàng không bảo đảm VSATTP trong thời gian này sẽ bị đình chỉ kinh doanh.

Còn về công tác điều trị, các cơ sở y tế của Hà Nội đều sẵn sàng đón nhận bệnh nhân. Ngành Y tế đã chuẩn bị khoảng 200 giường bệnh của bệnh viện Xanh Pôn, Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang để cách ly các bệnh nhân bị TCC. Các bệnh nhân được cung cấp đầy đủ thuốc men, dịch truyền, trang thiết bị y tế cần thiết cho việc điều trị. Bệnh nhân mắc bệnh sẽ được điều trị miễn phí. Những người tiếp xúc có liên quan đến nguồn bệnh cũng được uống thuốc dự phòng miễn phí. Riêng công tác phòng dịch, ngành Y tế đã có 11 tấn Cloramin B, thuốc khử trùng để tiến hành vệ sinh môi trường, nguồn nước. Tại các bệnh viện, các phương tiện chở bệnh nhân đến cấp cứu như xe cứu thương, xe taxi, xe máy... đều được phun thuốc khử trùng trước khi ra khỏi bệnh viện. Về mặt nhân lực, hơn 300 cán bộ y tế ở các quận, huyện đã được huy động để tham gia tuyên truyền đến từng hộ dân. Ngày hôm nay (3-11), 1.700 học sinh của trường Cao đẳng Y tế Hà Nội sẽ về các phường, xã tuyên truyền phát tờ rơi cho nhân dân.

Như vậy, ngành Y tế Hà Nội hoàn toàn có thể đối phó được với dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kêu gọi người dân phải hỗ trợ đắc lực cùng cán bộ y tế trong việc phòng bệnh thì mới đem lại hiệu quả dập dịch nhanh nhất.

Đức Anh thực hiện

ANHTHU