Các trường đã cơ bản đáp ứng tốt việc dạy học tích hợp

Giáo dục - Ngày đăng : 10:13, 13/03/2023

(HNMO) - Trước ý kiến phản ánh việc tổ chức giảng dạy các môn tích hợp cấp trung học cơ sở theo Chương trình giáo dục phổ thông còn nhiều khó khăn, bất cập với giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có văn bản giải đáp.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trò chuyện với học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học cơ sở có môn khoa học tự nhiên được tích hợp từ các môn vật lý, hóa học và sinh học; môn lịch sử và địa lý được tích hợp từ các môn lịch sử, địa lý.

Trong đó, chương trình môn khoa học tự nhiên bao gồm nhiều chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp...

Còn chương trình môn lịch sử và địa lý bao gồm phân môn lịch sử và phân môn địa lý; mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó, nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Nội dung lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và nội dung địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung lịch sử.

Xác định đây là những môn học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các nhà trường căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên để phân công giáo viên dạy học các nội dung phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng dẫn các nhà trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh như đã triển khai ở những năm gần đây. Khi triển khai chương trình hiện hành, việc khai thác các nội dung bài học từ nhiều khía cạnh theo hướng tích hợp (kiến thức địa lý trong các bài lịch sử và ngược lại; kiến thức hóa học, sinh học trong các bài vật lý và ngược lại) đã được triển khai từ nhiều năm qua.

Để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2019 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn tài liệu và tập huấn cho giáo viên cốt cán cả nước; ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn khoa học tự nhiên, môn lịch sử và địa lý.

Như vậy, đối với mỗi giáo viên, việc dạy học những nội dung phù hợp với chuyên môn không có gì thay đổi lớn so với chương trình hiện hành. Việc thay đổi chủ yếu nằm ở kế hoạch giáo dục của nhà trường (phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu...).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tuy ban đầu có những khó khăn do quen với việc một giáo viên dạy một môn và xếp thời khóa biểu chia đều số tiết/tuần, nhưng qua một thời gian, đến nay cơ bản đã được các trường thực hiện đáp ứng yêu cầu.

Thống Nhất