Tán sỏi ngoài cơ thể
Xã hội - Ngày đăng : 21:54, 01/11/2007
Ban đầu là sự ra đời củamáy tán sỏi thô sơ dạng “bồn tắm” ( DORNIER-baignoire) với công suất thấp, khả năng định vị kém và cồng kềnh, hiệu quả điều trị không cao. Sau gần 20 năm đúc kết kinh nghiệm và liên tục cải tiến, đặc biệt với sự trợ giúp của máy vi tính và kĩ thuật số, các loại máy tán sỏi thế hệ thứ 2, rồi cuối cùng là thế hệ thứ 3 hiện đại đã ra đời: máy DIREX với công suất lớn và khả năng định vị tuyệt đối chính xác, cho phép đạt được kết quả điều trị thành công tới 90% các loại sỏi thận dưới 3cm, và 80% với sỏi niệu quản.
Từ năm 2005 phân khoa tán sỏi- Khoa tiết niệu Bệnh viện Viêt-Pháp đã được trang bị loại máy tán sỏi DIREX này. Đây là loại máy đời mới nhất, thế hệ thứ 3 có trang bị điều khiển bằng máy tính với màn hình kĩ thuật số; phối hợp giữa điện quang và siêu âm; định vị theo không gian ba chiều, cho phép xác định chính xác tuyệt đối vị trí các viên sỏi. Với nguồn sóng xung kích công suất lớn (20 kW), máy giúp tán sỏi đạt hiệu quả cao như: Cho phép tán vụn các loại sỏi với kích thước dưới 3cm, cá biệt có thểtán được cả sỏi san hô. Công suất lớn của máy cho phép tán các mảnh sỏi vụn ra như cát, giúp cho việc đào thải mảnh vụn dễ dàng, giảm nguy cơ biến chứng hay gặp sau tán sỏi ngoài cơ thể là “ cơn đau quặn thận cấp” do mảnh sỏi lớn gây tắc đột ngột trong niệu quản khi di chuyển xuống bàng quang. Với việc dùng máy DIREX tỉ lệ đau quặn thận cấp sau tán sỏi được giảm đi một cách tối đa. Ở các loại máy tán sỏi khác tỉ lệ biến chứng này gặp khá nhiều (khoảng từ 10-25%).
Theo bác sĩ Lê Sĩ Trung, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Viêt-Pháp, đa số các trường hợp chỉ cần 1 lần tán sỏi duy nhất. Đấy là tính ưu việt của máy DIREX so với các loại máy tán sỏi thế hệ trước. Trong trường hợp cần tán những sỏi có kích thước lớn hơn, cá biệt với sỏi san hô, các bác sĩ thường phải đặt ống thông từ thận xuống bàng quang phối hợp với việc dùng thuốc lợi tiểu trong quá trình tán sỏi để tránh biến chứng tắc trong lòng niệu quản, và giúp việc đào thải các mảnh sỏi dễ hơn. Tuy nhiên, đối với những viên sỏi có kích thước lớn, đôi khi vẫn phải tiến hành tán sỏi lần thứ 2.
Về khả năng định vị chính xác của máy, các bác sĩ cho rằng: Với hệ thống điều khiển điện tử tuyệt đối chính xác, sóng xung kích được ngắm trúng tiêu điểm trên viên sỏi giúp việc tán vỡ sỏi mà không hề gây tổn thương đến các bộ phận xung quanh như gan,thận, lá lách, cột sống... Màn hình kĩ thuật số của máy DIREX cho phép theo dõi và lưu lại các hình ảnh trong suốt qúa trình tán sỏi, sự thay đổi của viên sỏi khi bị vỡ, kích thước các mảnh vỡ...Nhờ đó giúp cho phẫu thuật viên có thể thay đổi, bổ sung các thông số thích hợp nhằm đạt hiệu quả tán sỏi tốt nhất. Màn hình tăng sáng cho phép phát hiện dễ dàng viên sỏi nhỏ không chỉ ở thận mà cả ở niệu quản. Ngay cả trong trường hợp cấp cứu với cơn đau quặn thận (là những trường hợp rất khó xác định viên sỏi niệu quản vì bệnh nhân luôn có chướng bụng, nhiều hơi trong ruột) thì với việc dùng máy DIREX kết hợp sử dụng thiết bị ép (louche) vẫn có thể xác định vị trí của sỏi dễ dàng. Máy còn có thể xác định chính xác vị trí các mảnh sỏi đã vỡ có kích thước trên 5mm để tiếp tục xử lí, tránh tình trạng sót sỏi trong các đài, bể thận.Ngoài ra, cần nói thêm rằng, đây là loại máy duy nhất cho phép tán sỏi niệu quản ở đoạn thấp nhất - loại sỏi nằm ở vị trí khó, hay gặp và thường gây biến chứng. Trong khi các máy tán sỏi khác chỉ áp dụng cho sỏi thận và sỏi niệu quản ở phần cao. Đối với trường hợp này, bệnh nhân được đặt trên bàn tán sỏi với tư thế đặc biệt cho phép sóng xung kích đi qua một lỗ hổng ở xương chậu ( l’échancrure sciatique ) và định vị chính xác vào viên sỏi trong tiểu khung, mà các loại máy tán sỏi khác không thể làm được.
Nguyên tắc cơ bản của việc tán sỏi ngoài cơ thể là sử dụng sóng xung kích hội tụ vào viên sỏi để phá vỡ sỏi. Các mảnh sỏi bị vỡ vụn sẽ tự thoát ra qua niệu quản xuống bàng quang và theo đường nước tiểu ra ngoài. Bệnh nhân sẽ không bị bất kì một can thiệp nào khác vào cơ thể, ngoài việc sử dụng sóng điện xung kích. Theo quy trình điều trị, bệnh nhân được gây mê nhẹ. Thủ thuật chỉ khoảng 30 giây, không gây đau. Sau khi tán sỏi, thời gian nằm viện là nửa ngày. Mọi tiến trình và kết quả tán sỏi đều được lưu lại trong máy. Trước khi ra viện, bệnh nhân được chụp điện quang kiểm tra, và kết quả X- quang cho thấy viên sỏi đã được tán vỡ vụn. Sau 10-15 ngày chờ cho các mảnh vụn tự đào thải ra ngoài, bệnh nhân sẽ được chụp phim lần hai để kiểm tra lại. Ngay sau khi điều trị, hiện tượng nước tiểu có màu hồng là thường gặp, và sẽ hết đi sau 2-4 ngày. Ngoài ra, việc đái ra các mảnh vụn là phổ biến nên người bệnh không nên lo ngại.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bệnh viện Việt - Pháp, hai biến chứng có thể gặp sau tán sỏi tiết niệu là cơn đau quặn thận và nhiễm khuẩn tiết niệu. Đối với cả 2 loại biến chứng này bệnh viện Việt - Pháp đều có những giải pháp hữu hiệu để xử lí hiệu quả bằng thuốc đặc dụng và các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Ví như, nhằm ngăn ngừa biến chứng nhiễm khuẩn tiết niệu, tất cả các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu đều phải được điều trị bằng thuốc trước khi thực hiện tán sỏi. Theo bác sĩ Lê Sĩ Trung, tán sỏi tiết niệu bằng máy DIREX có thể áp dụng với mọi loại sỏi thận, sỏiniệu quản, trừ sỏi niệu quản trong khung chậu, hoặc các trường hợp có dị dạng tiết niệu (nghĩa là trên phim chụp có tiêm thuốc cản quang mà đường tiết niệu không thông suốt).
Tán sỏi ngoài cơ thể là một bước tiến lớn trong việc ứng dụng kĩ thuật cao để điều trị sỏi tiết niệu. Máy tán sỏi DIREX là tinh hoa của quá trình không ngừng cải tiến, đúc kết kinh nghiệm trong lĩnh vực tán sỏi của ngành Y. Nó cho phép điều trị hầu hết các loại sỏi với kết quả thành công cao: Bệnh nhân không đau, thời gian điều trị ngắn, nhưng quan trong hơn là tránh được những can thiệp ngoại khoa như mổ thông thường, soi niệu quản lấy sỏi,...Tuy nhiên, do tính đa dạng, phức tạp của các loại sỏi, các bác sĩ cần được trang bị đồng bộ các phương pháp điều trị khác như: tán sỏi qua da, nội soi niệu quản, nội soi ổ bụng và ngay cả mổ thông thường... Trang bị các máy móc tối tân chưa phải là tất cả, mà trình độ của phẫu thuật viên lại là yếu tố quyết định trong việc đưa ra các chỉ định điều trị, phối hợp các phương pháp thích hợp cho từng bệnh nhân. Làm sao để biết có sỏi tiết niệu? Khi bị sỏi tiết niệu, đa số các bệnh nhân có thể có một trong các biểu hiện sau: Đau mỏi lưng , đái máu , nhiễm khuẩn nước tiểu hoặc có những bất thường khi đi tiểu: đái buốt , đái dắt; đái ra mảnh sỏi .Chẩn đoán xác định nhờ chụp điện quang, siêu âm. Đôi khi bệnh nhân đếnvới tình trạng cấp cứu: “ Cơn đau quặn thận”. Đau dữ dội đột ngột ở bên thận có sỏi, lan dọc xuống bụng dưới và tới bộ phận sinh dục. Cơn đau tăng lên khi cử động mạnh hoặc uống nhiều nước. Có thể kèm theo chướng bụng và buồn nôn. Chẩn đoán xác định dựa vào điện quang, siêu âm. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng gì. Việc phát hiện ra sỏi phải nhờ siêu âm hoặc chụp điện quang thường kì.
Quang Anh