Nguy hiểm rối loạn giấc ngủ ở người trẻ
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:20, 13/03/2023
Con đường dẫn đến trầm cảm, tự tử
Trung bình mỗi ngày, Phòng khám rối loạn giấc ngủ, Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) khám cho gần 20 bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, trong đó có những trường hợp chỉ 18 tuổi, 20 tuổi.
Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Phúc, Trưởng khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, trước đây, rối loạn giấc ngủ thường thấy ở những người từ 60 tuổi trở lên nhưng hiện nay gặp nhiều ở nhóm người trẻ và tác hại rất lớn.
Đơn cử như trường hợp của một phụ nữ (29 tuổi ở Hà Nội). Sau một thời gian dài mất ngủ, không chỉ cơ thể suy nhược, bệnh nhân này còn bị rối loạn lo âu.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Phúc, khi không ngủ được, người bệnh lại suy nghĩ đến những chuyện không hay đã xảy ra trong cuộc đời. Từ suy nghĩ nhiều dẫn đến suy diễn, nghi ngờ cả những mối quan hệ xung quanh khiến bản thân họ luôn rơi vào trạng thái bất an. Hậu quả là người bệnh càng suy nghĩ nhiều thì lại càng mất ngủ. Cái vòng luẩn quẩn không thoát ra được dẫn đến rối loạn lo âu. Nếu không đến bệnh viện điều trị, rối loạn giấc ngủ còn khiến người bệnh dễ có nguy cơ bị trầm cảm, thậm chí là tự tử.
“Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người trẻ, ngoài áp lực công việc, stress trong cuộc sống, còn do giới trẻ “nghiện” giải trí, chơi game, xem phim, tán gẫu với bạn bè thông qua các thiết bị di động. Thói quen này khiến họ thức khuya, để rồi quá giấc và trằn trọc khó ngủ. Chúng tôi đã điều trị cho một học sinh lớp 12. Do cha mẹ cấm chơi game nên bệnh nhân này lén lút chơi vào ban đêm. Sau thời gian dài mất ngủ, căng thẳng, cứ cầm điện thoại là cảm thấy đau đầu nên bệnh nhân đã đập điện thoại. Lúc này, cha mẹ mới biết con mình thức đêm để chơi game”, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Phúc dẫn chứng.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, ở mỗi người bệnh, rối loạn giấc ngủ sẽ có những biểu hiện khác nhau nhưng đều có những triệu chứng như: Khó đi vào giấc ngủ, hay trằn trọc, mất ngủ, tỉnh giấc giữa đêm… Hơn nữa, người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, kiệt sức, ngáp ngủ, ngủ gà gật vào ban ngày, thiếu tập trung chú ý, khả năng ghi nhớ kém, không thể giữ sự tỉnh táo khi phải ngồi yên, khó kiểm soát cảm xúc, dễ nổi nóng, tức giận...
Không chỉ vậy, Giáo sư, Tiến sĩ Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) còn cho rằng, mất ngủ kéo dài gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nguy cơ nhồi máu cơ tim cao; nguy cơ béo phì, đái tháo đường, thậm chí còn tăng nguy cơ bị ung thư. Ngoài ra, mất ngủ cũng ảnh hưởng xấu đến làn da, mái tóc, giảm thích ứng trong cuộc sống, có thể bị đột quỵ não, có nguy cơ bị đột tử trong đêm...
Không được tự ý điều trị bằng thuốc ngủ
Theo các nghiên cứu, mỗi người trưởng thành cần ngủ trung bình từ 7-8 tiếng. Đặc biệt, giấc ngủ cũng cần đủ “chất”, tức là ngủ liền mạch, sâu giấc, sáng dậy tỉnh táo. Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Phúc, Trưởng khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) lưu ý, mọi người chỉ cần mất ngủ khoảng 3 tuần trở lên là phải đi khám để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm khi không ít người tự ý mua thuốc ngủ về điều trị, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Phúc cho rằng, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc có tác dụng gây ngủ nhưng tùy từng trường hợp, trên mỗi bệnh nhân, mỗi cơ địa mà sử dụng khác nhau. Để chỉ định thuốc phù hợp, bác sĩ phải khám, biết được nguyên nhân gây mất ngủ và người bệnh có tiền sử bệnh mãn tính hay không. Việc ra hiệu thuốc mua và dùng thuốc ngủ tùy tiện dễ gây ra tác dụng phụ làm nhịp tim nhanh, loạn nhịp… Khi sức khỏe bị ảnh hưởng bởi việc dùng thuốc tùy tiện, người bệnh mới đến bệnh viện thì việc điều trị sẽ tốn kém về thời gian, tiền bạc và tinh thần.
Để khắc phục hiệu quả tình trạng rối loạn giấc ngủ, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra, phân loại rối loạn giấc ngủ và nguyên nhân bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc có chỉ định dùng thuốc cũng như các phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.
Ngoài ra, để hạn chế rối loạn giấc ngủ, mỗi người cần duy trì lịch ngủ và thức vào một khung giờ nhất định trong ngày, không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ tối thiểu 1 giờ, duy trì cân nặng hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, uống ít nước trước khi đi ngủ…
Phòng ngủ cũng phải bảo đảm thông thoáng, không có ánh sáng, tiếng ồn. Nếu bị tỉnh ngủ vào giữa đêm, không nên bật đèn hay mở điện thoại, xem tivi; không mở to mắt để mắt không thoát ra khỏi tình trạng buồn ngủ.