Làng Khê Nữ

Xã hội - Ngày đăng : 10:33, 31/10/2007

(HNMĐT)- Làng Khê Nữ đầu thời Nguyễn là một trong 14 xã, thôn của tổng Phù Lỗ thuộc huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc (từ tháng Mười năm Tân Mão đời Vua Minh Mạng - 1831 là tỉnh Bắc Ninh).

(HNMĐT)- Làng Khê Nữ đầu thời Nguyễn là một trong 14 xã, thôn của tổng Phù Lỗ thuộc huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc (từ tháng Mười năm Tân Mão đời Vua Minh Mạng - 1831 là tỉnh Bắc Ninh). Năm Tự Đức thứ 29 (Bính Tý, 1876), huyện Đông Anh được thành lập, làng Khê Nữ cùng 4 xã khác được tách khỏi tổng Phù Lỗ để lệ thuộc vào tổng Xuân Nộn của huyện mới này. Năm 1901, Khê Nữ và các xã thuộc huyện Đông Anh được chuyển từ tỉnh Bắc Ninh về tỉnh Phù Lỗ (năm 1904 đổi thành tỉnh Phúc Yên).

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Khê Nữ là một xã độc lập, sau đó nhập với các làng : Nguyên Khê, Cán Khê, Kim Tiên, Sơn Du và Tiên Hùng thành xã Phúc Thịnh, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (từ năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc).

Tháng 5 - 1961, xã Phúc Thịnh cùng các xã khác trong huyện Đông Anh được chuyển về Hà Nội. Năm 1965, xã Phúc Thịnh đổi tên thành Nguyên Khê.
Khê Nữ là làng nhỏ. Năm 1928, làng chỉ có 607 dân. Trai đinh trong làng trước đây sinh hoạt trong 4 giáp.

Thời phong kiến, làng Khê Nữ có ông Ngô Thế Dụ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo, đời Vua Lê Thái Tông (năm 1442), làm quan đến Tả Thị lang bộ Hộ.

Là làng ven sông, nên trước đây Khê Nữ còn tồn tại một lượng lớn ruộng đất công các loại (theo bản Hương ước lập năm 1932 thì còn đến 122 mẫu 3 sào). Trong số này, làng dành ra 48 mẫu 5 sào để cấp cho các đối tượng và dùng vào các việc công (như vào các dịp lễ tiết, cấp cho nhà chùa, các giáp, tư văn, người đi phù giá, mõ làng …), trong đó ruộng cấp cho mõ làng đến 2 mẫu 7 sào, những người đi phù giá trong hội cũng được cấp chung đến 3 mẫu 3 sào. Còn lại 74 mẫu gọi là “ruộng công dân” nhưng không chia cho các suất đinh mà đem đấu giá lấy tiền chi vào các việc công trong năm.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, lệ tục của làng Khê Nữ rất nặng nề, nhất là về tang ma. Bản Hương ước năm 1932 quy định rõ các mức tang lễ cho người quá cố, khi có hội tư văn đến tế, cả 4 giáp trong làng đưa tang, cả làng đưa tang và lễ cải táng. Lễ nhẹ nhất tang chủ phải nộp một con lợn, 2 cỗ xôi cùng các khoản phụ phí khác. Lệ khao vọng cũng rất nặng, song tục lệ làng Khê Nữ cũng rất đề cao người có tuổi. Bên trái đình chia làm ba bậc cho các hạng : từ 61 tuổi trở lên, từ 50 - 60 tuổi và các hạng đinh. Bên phải đình có ba bậc tương ứng dành cho hội trưởng tư văn và điển văn; những người có bằng sắc của nhà nước và các chánh phó tổng, kỳ mục chức dịch.

Khê Nữ thờ ba vị thần là:
- Xá Lợi đại vương, không rõ lai lịch, chỉ biết thần sinh ngày mồng 7 tháng Giêng và hóa ngày 18 tháng Mười.

- Cao Sơn đại vương : anh em con chú con bác của Tản Viên Sơn thánh, sinh ngày 12 tháng Giêng và hóa ngày mồng 10 tháng Giêng.

- Tam Giang khước địch đại vương (Thánh Tam Giang, tức anh em Trương Hống, Trương Hát), sinh ngày 15 tháng Giêng, hóa ngày 14 tháng Tư, giúp Triệu Việt Vương (Quang Phục) đánh đuổi giặc Lương (thế kỷ thứ VI).

Ngoài ra còn thờ Thánh mẫu ngày sinh và sự tích không rõ, chỉ biết ngày hóa là 15 tháng Tư. Ngoài hội làng diễn ra từ mồng 5 đến 12 tháng Giêng, làng còn tham gia hội đền Tam Tổng tại đền Sọ (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) cùng các làng xã trong ba tổng: Phù Lỗ, Xuân Nộn và Phù Xá vào 16 tháng Hai thờ Tháng Gióng.

PGS. TS Bùi Xuân Đính

TUYETMINH