Tuyển chọn, Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Còn nhiều khó khăn
Văn hóa - Ngày đăng : 15:50, 12/03/2023
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam:
Nhân lực của ngành điện ảnh vẫn thiếu rất nhiều
Sinh thời, Bác Hồ nói rằng: "Phim của các cô, các chú dù tốt đến mấy nhưng nếu không được đồng bào hiểu, nếu không được đồng bào xem thì cũng không là tốt, không là hay". Điều đó cho ta thấy, dòng phim giải trí hay hướng đến giải trí một cách lành mạnh là cần thiết cho diện mạo của điện ảnh Việt Nam. Bên cạnh đó còn có dòng phim tác giả - phim nghệ thuật, phim độc lập... Phần lớn trong số đó là phim của những tác giả trẻ, làm phim để hướng đến các liên hoan phim uy tín trên thế giới. Vì vậy, cần động viên để họ có những khoảng tự do sáng tạo. Với nhu cầu hiện nay, nền điện ảnh cần nguồn nhân lực về điện ảnh và cả truyền hình rất lớn. Chính vì thế, công tác đào tạo nghệ sĩ đòi hỏi phải đáp ứng nhu cầu vừa phát triển dòng phim chính thống, vừa có một đội ngũ những người làm phim với nhiều tác phẩm lành mạnh cho xã hội, hướng đến đại chúng.
Hiện nay, chúng ta có 2 trung tâm đào tạo nhân lực điện ảnh lớn - tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, một số trường có các khoa đào tạo về nghệ thuật. Dù vậy, chúng ta vẫn thiếu rất nhiều. Nguồn nhân lực có học hàm, học vị cũng chưa đủ để đáp ứng yêu cầu thực tế, trong khi đó, các chuyên gia, nghệ sĩ biểu diễn đang ngày càng có tuổi, nguồn lực thay thế chưa kịp thời. Những lĩnh vực hỗ trợ như thiết kế mỹ thuật, quay phim phần lớn là truyền nghề, tự học nghề, nhân sự học nghề tại trường cũng rất quan trọng nhưng chưa đủ so với đòi hỏi thực tế.
Kinh nghiệm cho thấy, điện ảnh Hàn Quốc đã đưa mấy trăm người ra nước ngoài để học nghề và đã “thay máu” được nền điện ảnh. Ở Việt Nam, chúng ta cũng tiếp cận những đề án hợp tác đào tạo với nước ngoài, nhưng hiệu quả vẫn hạn chế do trình độ ngoại ngữ không cao, người "có ngoại ngữ" lại kém về chuyên môn. Hiện nay, Hội Điện ảnh đang mời chuyên gia nước ngoài đến nói chuyện chuyên đề với các nghệ sĩ trong nước, nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những chương trình ngắn hạn, chưa đủ chuyên nghiệp và kéo dài để có thể tạo ra nền tảng kiến thức cơ bản, dài hạn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng chính sách đãi ngộ
Chúng ta đã có những chính sách phù hợp để tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa. Nhân lực là yếu tố then chốt nhất cho sự phát triển của bất kỳ lĩnh vực nào, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, dù chính sách được ban hành nhưng việc thực thi đang gặp rất nhiều vấn đề. Việc lựa chọn nhân tài đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đưa ra một số yêu cầu, đặc biệt là về việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ và đó là một hạn chế của không ít người. Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước hiện nay còn có hạn chế nhất định, khiến nhiều người không mặn mà, không nhiệt tình để gắn bó lâu dài. Khi đầu vào khó tuyển được những người như chúng ta mong muốn thì đương nhiên đầu ra cũng không được như kỳ vọng.
Đương nhiên, việc nói trên cần được giải quyết một cách thấu đáo. Đầu tiên, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý hơn với văn nghệ sĩ, cần có chính sách về học bổng cũng như biện pháp hỗ trợ khác..., từ đó tăng chất lượng đầu vào tại các trường văn hóa nghệ thuật. Chúng ta cũng cần có sự ưu đãi về chế độ lương trong các đơn vị văn hóa nghệ thuật; những người học xong có cơ hội việc làm trong các cơ quan, nhà hát. Bên cạnh đó, cần có sự thay đổi về việc tuyển người đi đào tạo ở nước ngoài, sao cho họ có thời gian để được học ngoại ngữ và khi trở về được trọng dụng tốt hơn. Tôi nghĩ rằng chúng ta không thiếu người tài, nếu có được môi trường tốt, điều kiện làm việc tuyệt vời thì họ sẽ phát huy được khả năng của mình.
Theo tôi được biết, ngành Văn hóa đang tham mưu xây dựng Nghị định, chính sách liên quan đến đãi ngộ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, chính sách này đang gặp những khó khăn, vướng mắc bởi các luật liên quan đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, văn hóa văn nghệ là lĩnh vực đặc thù. Chẳng hạn như trong lĩnh vực xiếc, múa..., tuổi nghề có hạn. Những đặc thù ấy phải được thể hiện trong những văn bản luật liên quan.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ:
Thu hút nguồn nhân lực có tài, tâm huyết
Căn cứ trên các văn bản đã có thì mức thù lao dành cho văn nghệ sĩ cũng đang có những giới hạn nhất định. Kỳ vọng của chúng tôi là làm thế nào có những chính sách đủ kích thích sự sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Đó cũng là cách để thu hút nguồn nhân lực có tài, tâm huyết. Tất nhiên, không phải tiền có thể giải quyết được tất cả, nhưng nếu có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ tốt thì những người có tài sẽ bỏ thêm công sức, thời gian, có thể tìm tòi nhiều hơn nữa để sự sáng tạo ấy có giá trị ngày một tốt hơn. Nhà hát Tuổi trẻ là một nhà hát dành cho thanh, thiếu nhi, chúng tôi vẫn thường nói “có bột mới gột nên hồ”, phải liên tục tìm ra kịch bản giàu ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Có giai đoạn chúng ta có những kịch bản rất tốt, đưa ra chiến trường, khơi dậy lòng yêu nước, giúp cho người dân tin yêu hơn cuộc sống này. Ngày nay, chúng ta vẫn cần những kịch bản sân khấu như vậy. Thực tế, mỗi năm chúng tôi phải “vật vã” để tìm kịch bản hay.
Còn về các đề án đào tạo, cử các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đi học ở nước ngoài trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, theo tôi được biết thì việc này đang gặp một số khó khăn. Hiện nay, Nhà hát Tuổi trẻ cũng như các đơn vị nghệ thuật khác đã nhận được các văn bản về việc cử người đi học ở nước ngoài, nhưng gặp khó khăn trong việc tuyển chọn người tham gia đáp ứng yêu cầu thành thạo về ngoại ngữ. Không thể phủ nhận rằng, nếu được tham gia các lớp học này, các nghệ sĩ sẽ có thêm điều kiện học hỏi và làm nghề. Tôi đã tham gia biểu diễn, dự hội thảo ở nước ngoài. Đó là cơ hội để giao lưu, học hỏi để áp dụng trong thực tiễn làm nghề.