Thêm nguồn lực cho phát triển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 12/03/2023
Thực tế, việc miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, sử dụng đất mang lại kết quả tốt cho cả doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, chính sách này được đánh giá là hỗ trợ hiệu quả nhất, có tác động sâu, rộng nhất. Tiền thuế, phí, tiền thuê đất, sử dụng đất được miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn... là nguồn lực tài chính, như khoản vay không tính lãi, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đứng trước vô vàn khó khăn. Đây cũng là chính sách mà doanh nghiệp dễ thụ hưởng nhất, ít điều kiện ràng buộc nhất so với các chính sách hỗ trợ khác. Mặt khác, thu ngân sách nhà nước không bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gia tăng khi cộng đồng doanh nghiệp - là nguồn đóng góp ngân sách, được nuôi dưỡng. Rộng hơn, nền kinh tế có thêm nguồn lực để ứng phó với khó khăn, giữ đà phục hồi và phát triển đã đạt được trong năm 2022.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 1-2-2023, tổng số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022 được gia hạn là 100.154 tỷ đồng. Đối với năm 2023, theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số thuế giá trị gia tăng gia hạn từ tháng 1 đến tháng 6-2023 và quý I, quý II-2023 là khoảng 64.000-65.000 tỷ đồng. Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I và II-2023 gia hạn là 42.800-43.600 tỷ đồng. Tổng số thuế cá nhân, hộ kinh doanh được gia hạn khoảng 272 tỷ đồng. Tương tự, dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 tỷ đồng. Như vậy, việc khẩn trương trình phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất là để nguồn lực này sớm đến với doanh nghiệp, người dân và sớm phát huy hiệu quả thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện yêu cầu trên, các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng hoàn tất quá trình thẩm định, trình phương án đến cấp có thẩm quyền. Được biết, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành quy định theo trình tự, thủ tục rút gọn, do đây là giải pháp cấp bách, cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nội dung, cách thức triển khai đã có từ năm 2022 là một thuận lợi cho các cơ quan chức năng có thể thực hiện ngay trong năm 2023. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần lưu ý thông tin sớm về chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân; có hướng dẫn khi chính sách được thông qua, ban hành, giúp doanh nghiệp, người dân thụ hưởng ngay cơ chế hỗ trợ, từ đó sớm đưa nguồn lực vào thực tiễn, cụ thể hóa thành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cần theo dõi hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, sẵn sàng đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận cơ hội. Cụ thể, Bộ Tài chính cần tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp áp dụng cho năm 2023, như bên cạnh gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất có thể nghiên cứu phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn... Đồng thời, đôn đốc doanh nghiệp hoàn trả các khoản được gia hạn vào ngân sách đúng thời hạn quy định.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, trách nhiệm trước hết là sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn lực được hỗ trợ nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn; hoàn trả các khoản hỗ trợ và đóng góp vào ngân sách đúng quy định.
Sớm ban hành chính sách và thực hiện hiệu quả, nền kinh tế sẽ có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.