Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Iraq: Tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược
Thế giới - Ngày đăng : 06:43, 12/03/2023
Chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin diễn ra trong thời điểm gần với dịp kỷ niệm 20 năm ngày cuộc chiến giữa Mỹ và quốc gia vùng Vịnh nổ ra vào năm 2003. Đặc biệt, ông L.Austin từng là Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Iraq. Nhiều thứ đã thay đổi ở Iraq kể từ đó. Đất nước này hiện đang gặp khó khăn về kinh tế.
Trong khi Iran tìm cách sử dụng Baghdad như một bàn đạp để chuyển vũ khí và dân quân tới Syria, các quốc gia khác, như Jordan và Ai Cập, coi Iraq là một nhân tố quan trọng trong khu vực. Do đó, trong cuộc gặp với Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani và người đồng cấp Iraq Thabet al-Abbasi, Bộ trưởng Quốc phòng L.Austin nhấn mạnh, các lực lượng Mỹ sẵn sàng ở lại Iraq theo đề nghị của chính quyền sở tại. Washington sẽ tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ đối tác với Baghdad nhằm hỗ trợ bảo đảm an ninh và ổn định của nước này. Quân đội Mỹ hiện đang duy trì khoảng 2.500 binh sĩ tại Iraq, cùng với đó là 900 binh sĩ tại Syria để hỗ trợ chính quyền địa phương trong cuộc chiến với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Ngoài việc thảo luận về các hoạt động đang diễn ra, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng đã thảo luận với Thủ tướng Iraq về tầm quan trọng của quan hệ đối tác trong tương lai, không chỉ giữa Mỹ và Iraq, mà còn giữa Iraq với các đối tác trong khu vực.
"Chúng tôi tiếp tục tin tưởng rằng sự hội nhập sâu rộng hơn của Iraq với các đối tác trong khu vực sẽ mang lại sự ổn định, an ninh và thịnh vượng", ông L.Austin nhấn mạnh.
Đáp lại, Thủ tướng Mohammed al-Sudani cho biết, Chính phủ của ông muốn duy trì một mối quan hệ cân bằng với các đối tác trong khu vực và quốc tế dựa trên những lợi ích chung và sự tôn trọng chủ quyền lẫn nhau; đồng thời khẳng định "sự ổn định của Iraq là chìa khóa quan trọng cho an ninh và ổn định trong khu vực".
Các chuyên gia nhận định, chuyến đi của ông L.Austin còn nhằm hỗ trợ Thủ tướng Mohammed al-Sudani đẩy lùi ảnh hưởng của Iran tại nước này. Lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq đôi khi vẫn nhắm vào các lực lượng Mỹ và đại sứ quán của họ ở Baghdad bằng tên lửa. Trên thực tế, Iran đã cố gắng kiểm soát Iraq thông qua việc sử dụng các lực lượng ủy nhiệm và sự ảnh hưởng của Tehran với các đảng chính trị Shia ở Baghdad.
Trước khi Thủ tướng Mohammed al-Sudani lên nắm quyền, giáo sĩ Hồi giáo Shia Muqtada al-Sadr dường như có thể lãnh đạo chính phủ sau cuộc bầu cử. Tuy nhiên, giáo sĩ al-Sadr đã thất bại trong việc thành lập chính phủ vì sự phản đối của các đảng đối lập, mở ra cánh cửa cho ông al-Sudani, người cho đến nay đã thể hiện sự sẵn sàng mở rộng quan hệ của Baghdad với Washington.
Bên cạnh đó, khu tự trị người Kurd cũng quan trọng đối với Mỹ. Vì vậy, sau chuyến thăm Baghdad, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã đến Erbil - thủ phủ khu vực phía Bắc của người Kurd ở Iraq và gặp lãnh đạo khu vực người Kurd Nechirvan Barzani. Trong một cuộc họp báo chung, ông L.Austin và ông Barzani nhấn mạnh tầm quan trọng về sự hỗ trợ của Mỹ đối với Iraq và khu vực người Kurd.
Chuyến thăm tới Iraq của ông chủ Lầu Năm Góc là một lời nhắc nhở rằng, Washington tiếp tục đóng vai trò quan trọng tại đây. Trong khi đó, việc Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đến thăm Syria vào tuần trước càng nhấn mạnh tầm quan trọng của hai quốc gia này đối với chính quyền ông Joe Biden và cho thấy cam kết của Mỹ vẫn mạnh mẽ ở những điểm nóng Trung Đông.