Lắng sâu hương vị thời gian
Sách - Ngày đăng : 07:43, 12/03/2023
Tiến sĩ Bùi Thế Đức được biết đến với hàng trăm bài viết liên quan đến công tác tuyên giáo của Đảng, công tác tổ chức xây dựng Đảng, về văn học, đăng tải nhiều năm qua trên các báo, tạp chí trung ương, chuyên ngành và xuất bản thành sách. Có thể kể đến là cuốn “40 năm hợp tác và phát triển” (sách viết chung - Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, 1993); “Công tác tuyên giáo trước yêu cầu đổi mới” (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2016); “Ô cửa nhỏ nhìn ra đại dương” (viết về các nền văn học Nga, Pháp, Anh, Hy Lạp…; Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2017); “Công tác tuyên giáo trong sự nghiệp đổi mới” (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2017). Và lần này, ông ra mắt tập thơ, với những sáng tác sâu lắng, giàu xúc cảm. Đó không hẳn là cuộc chơi ngẫu nhiên.
Tác giả Bùi Thế Đức kể, ông sinh ra trong một gia đình có cha làm nghề dạy học. Cha thường làm thơ về cuộc đời, về quê hương và để răn dạy con cháu nên vì thế chất thi ca ngấm trong người ông từ nhỏ. Năm 1974, ông theo học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó là cán bộ giảng dạy tại Tổ Văn học nước ngoài, học viên hệ sau đại học khóa III, chuyên ngành Văn học Nga - Xô Viết tại nhà trường.
Năm 1981, ông chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo làm công tác nghiên cứu và công tác nhà xuất bản. Năm 1989, ông bắt đầu nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva mang tên M.Lômônôxốp (Nga) và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành văn học Nga. Sau đó, ông về nước, công tác tại các cơ quan Trung ương Đảng, từng giữ cương vị Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và hiện nay là Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương.
Từ khi về làm việc tại Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương (năm 2018), do có điều kiện tiếp cận thường xuyên với các sách, báo văn học, nghệ thuật, được giao lưu với các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ nên tác giả Bùi Thế Đức đã viết một số bài thơ đăng báo. Ông tâm sự, viết thơ và tập hợp thành cuốn sách là nhằm ghi lại những cảm xúc, kỷ niệm của mình trước khung cảnh thiên nhiên, con người. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong thơ của ông thể hiện dưới nhiều hoàn cảnh, sắc thái, cung bậc tình cảm khác nhau, nhưng đều toát lên những cảm hứng tươi sáng, lạc quan về tình yêu với cuộc đời, để chia sẻ với mọi người.
Ở “Hương vị thời gian”, tác giả Bùi Thế Đức đưa độc giả đi vào thiên nhiên, giãi bày xúc cảm theo bước nhịp thời gian bốn mùa. Phần “Tiếng gọi mùa xuân” có những bài “Lắng nghe mùa xuân về”, “Mùa xuân đất nước”, “Hương đào mùa xuân”, “Tím mỗi hoàng hôn”… không là hình ảnh chim én, hoa đào, mưa bay mà còn mang ẩn dụ về sức sống, tiềm năng của đất nước. Phần “Kỷ niệm mùa hè”, tác giả khai thác sự hòa hợp giữa thiên nhiên và tình người trong những kỷ niệm “Nhớ mùa hạ”, “Khung trời mùa hạ”, “Chiều xa Buđapét”, “Chốn xưa”, “Tình quê”, “Chiều trên bờ cát”…
Ở phần “Hương vị mùa thu”, các bài thơ “Chớm thu”, “Đi giữa mùa thu”, “Hà Nội vào thu”, “Mùa thu Hà Nội và Mátxcơva”, “Chiều thu nhớ bố”… có sự nhịp nhàng, vừa lạ, vừa quen mà đầy cảm xúc. Còn những bài thơ trong phần “Nỗi nhớ mùa đông” như “Đông về”, “Mình xa nhau vào mùa đông”, “Như đóa họa mi”, “Bâng khuâng”… đều là những bài thơ tình, với nhiều hình ảnh so sánh sự lạnh lẽo của mùa đông và sự ấm nóng của tình người.
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định về tập thơ: “Đó là hương vị tâm hồn của một nhà khoa học. Với những rung động thành thực và qua những cung bậc của tình cảm, tập thơ cho ta thấy vẻ đẹp nội tâm của tác giả. Với Bùi Thế Đức, thời gian đã trở thành đối tượng thẩm mỹ thách đố và mời gọi những tìm tòi sáng tạo. Những gì mà tập thơ đã chạm tới người đọc sẽ trở thành kỷ niệm với cái đẹp và điều thiện”.
Cùng với những bài thơ, Tiến sĩ Bùi Thế Đức còn giới thiệu một số bài viết nghiên cứu về vấn đề văn học, nghệ thuật hôm nay rất hữu ích đối với những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và độc giả.