Tăng cường hợp tác trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau
Kinh tế - Ngày đăng : 15:50, 11/03/2023
Nhiều kết quả tích cực
Ngày 11-3, Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2022 và phương hướng đến 2025 diễn ra tại tỉnh Bến Tre. Đây cũng là dịp nhìn nhận thực tế để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong giai đoạn 2016-2022, thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và cả nước.
Điển hình, trong lĩnh vực Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam khẳng định, các chương trình hỗ trợ kết nối cung - cầu đã tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa tỉnh Bến Tre đi vào hệ thống các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích của thành phố Hồ Chí Minh.
Còn theo ngành Công Thương các địa phương, chương trình này đã đưa được các sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp vào các bếp ăn tập thể ở thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh Tiền Giang có 68 chuỗi (chuỗi rau, thịt heo, gà, trứng...) được cấp giấy chứng nhận sản phẩm tham gia chuỗi thực phẩm an toàn để cung cấp cho các thị trường và thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Hồ Chí Minh đã kết nối chuỗi cung ứng thủy sản (cá chẽm, cá hồng mỹ) với tiểu thương tại chợ Đầu mối Bình Điền với sản lượng khoảng 60 tấn/tháng cùng hàng chục tấn thủy sản khác có thị trường tiêu thụ ổn định.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, thông qua chương trình liên kết ngành Công Thương, các doanh nghiệp đã tìm được cơ hội, lợi ích khi đầu tư tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp. Thị trường tiêu thụ của thành phố Hồ Chí Minh được đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn và ổn định.
Tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả
Các đại biểu dự hội nghị thống nhất xác định, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục hợp tác hình thành chuỗi sản xuất kinh doanh đầu tư và phát triển, gắn kết sản xuất với phân phối và tiêu dùng…; liên kết, hợp tác phát triển du lịch; đào tạo lực lượng khoa học, kỹ thuật có trình độ chuyên sâu về các lĩnh vực công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học, cơ khí, điện tử, hóa học...
“Các địa phương cùng liên kết phát triển tạo lập không gian kinh tế chung cho vùng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung vào kết nối hạ tầng giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; cung cấp điện, nước, hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói.
Tại hội nghị, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với UBND các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025 trên các lĩnh vực trọng tâm: Phát triển hạ tầng giao thông; du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số... trên tinh thần hợp tác tự nguyện, đoàn kết, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau.