Đội quân "nhóc tì”

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:43, 17/10/2007

Lẫn trong dòng người ngược xuôi bán vé số dạo là những đứa trẻ, có em chỉ mới mấy tuổi nhưng cũng phải bươn chải nuôi thân và nuôi cả gia đình.

Chú thích ản

Lẫn trong dòng người ngược xuôi bán vé số dạo là những đứa trẻ, có em chỉ mới mấy tuổi nhưng cũng phải bươn chải nuôi thân và nuôi cả gia đình.

Vừa đi học vừa đi bán kiếm từng đồng, cuộc sống của các em bị giằng co giữa chuyện học hành, mơ ước tương lai và chuyện cơm áo, gạo tiền đầy mồ hôi và nước mắt.

Chén cơm và “chén chữ”

Cơn mưa chiều ngày càng nặng hạt, ai cũng muốn phóng xe thật nhanh về nhà, nhưng một bé trai nhỏ thó, trùm chiếc áo mưa rách lỗ chỗ, đứng run cầm cập vì lạnh ở cây xăng vòng xoay Phú Lâm, tay cầm xấp vé số cố nài nỉ mọi người đi qua đi lại: “Chú ơi, con chỉ còn vài tờ vé số. Chú làm ơn mua giúp để con còn về học bài”.

Trên ngực áo cậu bé đeo phù hiệu của Trường tiểu học Lê Công Phép, tên là Hứa Thái Huy, gương mặt trông già dặn hơn rất nhiều so với lứa tuổi lên mười. Huy kể gia đình em ở trọ tại khu phố 5, phường An Lạc, quận Bình Tân (TP.HCM).

Cha chạy xe ôm, mẹ bán vé số dạo: “Gia đình con có sáu anh em. Con thứ năm. Nhà nghèo nên tụi con ai cũng phải ra đời sớm phụ ba mẹ kiếm tiền. Đứa đi phụ người ta bán ở chợ, đứa đi bán vé số dạo”.

Huy bắt đầu bán vé số dạo từ năm học lớp 2. Thời gian đầu Huy đi bán theo mẹ. Cứ đến các quán nhậu, quán ăn thì hai mẹ con mỗi người một xấp vé số chia nhau đi mời khách. Được mấy tháng quen đường sá, Huy phải tách ra tự đi bán riêng.

Sau mỗi buổi học, Huy được mẹ đưa ra đại lý vé số nhận vé rồi đi bán đến quá 21g mới về, sáng hôm sau lại tiếp tục đi bán cho hết số vé còn lại cho đến gần giờ đi học.

Mỗi ngày Huy bán được khoảng 30 tờ vé số, kiếm được hơn 15.000 đồng, được bao nhiêu tiền đưa tất cả cho mẹ. “Số tiền đó mẹ con lo cơm nước, mua sách vở, quần áo cho con được đến trường. Con thấy cũng cực nhưng miễn sao được đi học là vui lắm rồi” - Huy nói.

Năm nay học lớp 4, Huy nói bài vở nhiều hơn các năm trước nên có khi đi bán vé số tối mịt về nhà, chỉ kịp ăn vội chén cơm là lại cặm cụi học bài đến quá nửa khuya rồi ngủ để có sức sáng mai rong ruổi lên đường với xấp vé số trên tay.

Cũng có thâm niên bán vé số gần 10 năm là Lê Thị Minh Thu, gia đình ở trọ trong một con hẻm trên đường Mai Hắc Đế, phường 15, quận 8. Thu năm nay học lớp 11, mẹ Thu cũng bán vé số dạo.

Thu có ba chị em, chị và em trai của Thu đã phải nghỉ học từ nhỏ để tự nuôi thân và phụ giúp gia đình. Riêng Thu vì xin gia đình cho đi học nên được ưu tiên, vừa đi học vừa đi bán vé số. Thu nói mấy năm nay vé số lên giá 5.000 đồng, các khu xóm lao động nghèo ít người mua. Có ngày Thu chỉ bán được dăm ba vé, phải đi bộ qua tận quận 5, quận 6... mới bán được thêm vài vé.

Thâm niên với nghề bán vé số dạo như vậy nhưng mỗi khi đi bán gặp bạn cùng trường, Thu vội vã giấu xấp vé số vào trong người, chờ cho bạn bè đi khuất mới lấy ra bán tiếp vì “không muốn bạn bè nhìn mình bằng cặp mắt thương hại”.

Tự nuôi thân đã nhiều năm như vậy, nhưng vào đầu năm học mới Thu vẫn không có đủ tiền mua nổi cho mình bộ quần áo mới, vài cuốn tập để học vì “có bao nhiêu tiền đều đưa mẹ lo cho gia đình”. Thu luôn mơ ước “trúng được một giải nho nhỏ” để có tiền mua được một chiếc xe đạp vừa đi học, vừa đi bán vé số nhưng “em đâu có tiền để mua vé”.

Nhìn bạn cùng trang lứa...

Chỉ đi một vài con đường ở quận Gò Vấp mà tôi đã gặp đến cả trăm đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi, đã nghỉ học và còn đang đi học, lặn lội đi bán vé số khắp mọi con đường, ngõ hẻm. Các cô nhóc, cậu nhóc phải ra đời sớm, bị “nhào nặn” trong môi trường phải biết tính toán chi li để kiếm từng đồng tiền. Nhiều đứa trẻ bán vé số bị các chủ đại lý vé số bóc lột sức lao động, trả tiền hoa hồng cho các em thấp hơn rất nhiều so với những người lớn cùng nhận vé.

Đức, 13 tuổi, bán vé số dạo ở khu chợ Hạnh Thông Tây, kể do không có tiền gối đầu, chủ đại lý vé số chỉ cho em nhận 50 vé mỗi ngày. Nhưng tiền hoa hồng của em nhận được chỉ bằng 2/3 so với người lớn: “Ông chủ lấy cớ trẻ em bán vé số thường chậm hơn người lớn và dễ bị thất lạc vé nên ép tụi con. Biết là bị ép nhưng đành chịu, mình cần người ta mà”. Tuần trước Đức giao trễ vé thừa cho đại lý mười phút, bị ông chủ tát cho hai bạt tai nảy lửa mà đành cắn răng chịu đựng.

Thỉnh thoảng trên đường vào vai người đi bán “giấc mơ triệu phú”, tôi bắt gặp những đứa trẻ bán vé số đứng lặng bên đường nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa với mình đang được bố, mẹ chở đi chơi, mua sắm đồ chơi, quần áo mới...

Văn, học sinh lớp 8 Trường THCS Phạm Đình Hổ, chiều nào đi bán vé số cũng dừng lại thật lâu trước một cửa hàng quần áo trên đường Phạm Đình Hổ. “Con chỉ nhìn để xem bao giờ mình đủ tiền mua cho em con áo mới. Áo nó rách mấy tháng nay mà không có tiền mua. Mình là anh lớn phải biết lo cho em chứ”, Văn nói vậy, mặc dù chiếc áo sơmi của Văn đang mặc cũng đã vá nhiều mảnh.

Không ít người nhìn những đứa trẻ bán vé số dạo như những người ăn xin, họ xua đuổi hay bố thí vài đồng bạc. Văn kể em và những đứa bạn bán vé số từng nhiều lần nhặt được bóp tiền, đồ đạc của khách để quên trên bàn nhậu, đều trả lại cho khách hay báo cho chủ quán. “Má con dạy cái gì không phải của mình thì mình không nhận”, Văn nói.

Một lần có ông khách ở một quán nhậu trên đường Lê Quang Sung mất một cái bóp trong lúc ngồi nhậu. Thấy Văn đứng gần đó, ông khách bước lại túm cổ áo, vu cho Văn ăn cắp. Sự việc dùng dằng đến khi nhân viên phục vụ của quán phát hiện ông khách làm rơi bóp trong nhà vệ sinh. Ông khách xin lỗi và định rút bóp cho Văn một ít tiền nhưng Văn nhất định không nhận.

VŨ BÌNH

HA OANH