Vượt ngục về với nhân dân

Xã hội - Ngày đăng : 07:53, 15/10/2007

(HNM) - Năm 1945, chúng tôi nằm trong Hỏa Lò, nghe ngóng tình hình bên ngoài, thấy có nhiều động thái rất đáng chú ý. Đêm 9-3, Hà Nội đang êm ắng, đột nhiên có  tiếng nổ lớn ngoài cổng đề lao.

(HNM) - Năm 1945, chúng tôi nằm trong Hỏa Lò, nghe ngóng tình hình bên ngoài, thấy có nhiều động thái rất đáng chú ý. Đêm 9-3, Hà Nội đang êm ắng, đột nhiên cótiếng nổ lớn ngoài cổng đề lao.

Tiếp đó, súng nổ rền từ ngoài phố vọng vào. Đèn tắt, ngục tù chìm trong đêm tối. Nhật hất cẳng Pháp rồi ! Sự kiện này có thể tạo ra thời cơ hiếm có để vượtthoát. Nếu không, Nhật hoặc Pháp có thể vào đây hạ sát tại chỗ hay bắt tù chính trị mang đi thủ tiêu rồi đổ vấy cho nhau, vì cả hai “thằng” đều chẳng thích thú gì cộng sản. Ngày ấy, số người bị thực dân Pháp kết án tù chính trị khá lớn, ở đề lao trung tâm miền bắc đã lên tới 200 trong đó có 27 nữ.

Tiếng khóa cửa sắt trại tù nặng nề xói vào lòng người. Một tên sĩ quan Nhật đeo kiếm dài lê thê xuất hiện, nói qua thông ngôn: “Quân đội bách chiến, bách thắng của Nhật hoàng đãlật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Người Nhật sẽ cho nước Việt Nam được độc lập, để cùng các nước khác trong khu vực xây dựng khối thịnh vượng chung Đại Đông á. Các anh có ý kiến gì không ?”. Chẳng có tiếng trả lời, nó bèn hỏi chỗ giam Trần Đình Cường, Trương Tử Anh, hai tên “Đại Việt quốc gia liên minh”.

Ban sinh hoạt trong Hỏa Lò hội ý gấp, quyết định kế hoạch cụ thể về cuộc vượt ngục. Hai phương án được đề ra. Một, leo bằng dây qua tường đá cao 5m nếu đủ sức, rồi phủ chăn qua đám mảnh chai tua tủa và những tầng tầng dây điện bảo vệ tụt xuống. Hai, theo đường cống ngầm, cửa xuống ngay sân trong trước buồng giam thường phạm. Cả hai phương án đều sắp xếp tù chính trị thành nhiều toán trên dưới 20 người, lại chia tiếp thành các tổ ba - bốn người. Thứ tự ra trước, sau căn cứ vào mức án nặng nhẹ.

Tổ đi tiên phong vượt qua tường đá gồm các anh Trần Đăng Ninh - Bí thư chi bộ, Lê Tất Đắc - Phó bí thư, Vũ Kỳ, Nguyễn Lam, Lợi, Chính và Nghĩa, đều thoát. Nhưng thường phạm nhìn thấy ùa ra, tranh nhau dây leo. Gác ngục chạy vào, thế là đường vượt bị cắt đứt.

Sáng 10-3, toàn Hỏa Lò chịu một bữa đói vì chiến sự. Các buồng giam cửa đóng im ỉm. Có một tốp tù đặc biệt vào: Chánh, phó giám thị đề lao và vợ con. Hai viên chúa ngục của hôm qua, chỉ sau một đêm trở thành tù nhân run bắnlên trong đám người hôm qua là tù nhân của chúng. Nhưng anh Nhạ “con” (ít tuổi nhất trại tù chính trị, bị bắt khi mới lên 16 tuổi) cho lũ trẻ con tây bánh kẹo, bảo bằng tiếng Pháp “chiến tranh là thế đấy, nhưng các anh và gia đình cứ bình tâm”. Những kẻ thất thếhiểu ngay là tính mạng chúng, nhân phẩm của vợ con chúng không gì phải lo ngại.Cựu chúa ngục nghẹn ngào nói lời biết ơn.

Chỉ còn lại con đường thoát theo cống ngầm. Thường phạm thường rì rầm dưới lòng thành phố là một hệ thống các ống thoát nước xây theo hình phễu đầu to, đuôi nhỏ thắt lại người chui không lọt. Mặc ! Cứ ra, rồi tắc đâu lên đấy. Đội hình giữ nguyên như cũ. Chỉ bổ sung người dẫn lối giữ vững liên hệ giữa toán trước và toán sau, tránh bị lạc, vì không có ánh sáng, ngõ ngách lại nhiều. Hai anh nhỏ nhắn, nhanh nhẹn là Cử và Hòa được cử đi khảo sát thực tế. Té ra, đó chỉ là thủ đoạn tung tin của kẻ cầm quyền, nhằm làm nhụt ý chí người vượt ngục. Lòng cống chỗ rộng chỗ hẹp, đoạn dài đoạn ngắn, song ra đến cửa cống cái đổ xuống sông Hồng, chẳng có hình phễu, hình nón gì cả.

Đêm 12-3-1945, cuộc “độn thổ” bắt đầu. Khởi đầu là toán 20 người, do tôi phụ trách, có các anh Đỗ Mười, Nguyễn Tuân, Hòa, Cử, một anh người Cao Bằng... Anh Quang sẽ lưu lại đậy nắp cống và dẫn lối cho toán sau. Tổ tôi có bốn người. Lòng cống tối om, lõm bõm nước và rác bốc mùi hôi thối, ngột ngạt… Chỗ cúi lom khom, chỗ phải bò toài, mãi mới đến được chỗ có ánh điện chiếu rọi xuống qua miệng cống. Đội nắp lên ở phố Hai Bà Trưng ngày nay, anh Đỗ Mười dẫn cả tổ đi về phía bờ đê sông Hồng, nhìn thấy lập lòe điện sáng trên cầu. Anh Cao Bằngbiết đó chính là cầu Pôn Đu-me (Long Biên) thì mừng vui: “Thế là về được đến nhà, đến bản rồi”.

Chúng tôi cuốc bộ một mạch về ĐôngMỹ, Thanh Trì - quê hương anh Đỗ Mười và cũng là vùng anh đã phát triển được nhiều cơ sở. Đến nơi thứ nhất, con trai chánh tổng cho biết, mấy ngày nay, quan quân Nhật qua lại đây luôn. Anh Mười quyết định sang nơi khác. Anh thu xếp khăn xếp, áo the, giầy ba-ta và ô lục soạn kèm theo 36 đồng bạc cho chúng tôi lên đường. Anh Cử muốn sớm trở về Nam Định, địa bàn hoạt động quen thuộc và báo tin cho gia đình được yên lòng, tôi đưa anh 12 đồng. Bộ quần áo anh Mười đưa tôi mặc vừa khít như may đo hiệu ở Thái Bình quê hương tôi vậy.

Đến cơ sở thứ hai, người vợ cho hay chồng vừa bị bắt đem đi, mật thám vẫn còn quanh quẩn dò la. Gần đây có một ngôi nhà hoang đổ nát, không ai lai vãng, chị dẫn chúng tôi sang đấy trú chân, rồi quay về nổi lửa thổi nồi cơm to bưng sang. Cơm ăn chỉ với mắm tép đồng mà sao ngon thế.

Chập tối hôm sau, 13-3-1945, trong bộ đồ cải trang thành một cặp thương gia buôn bè về quê hương ăn giỗ, chúng tôi qua cầu sông Nhuệ về làng Vạn Phúc giáp thị xã Hà Đông, có cơ sở của Trung ương Đảng. Hồi chưa bị bắt, tôi thường xuyên lui tới đây nhận chỉ thị công tác. Từ đời công sứ này đến đời tổng đốc nọ, địch không sao phá nổi ý chí cách mạng của người dân Vạn Phúc. Một viên tổng đốc đã phải thốt lên: “Họ trơ như đá, vững như đồng”…

Đêm ấy chúng tôi gặp ngay đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt). Kể xong chuyện vượt ngục, tôi đề nghị Trung ương cử người tìm gặp các anh em vừa ra thoát, vì nhiều người không thuộc vùng Hà Đông - Bắc Ninh - Hà Nội. Anh Việt nói “cứ yên tâm, Đảng sẽ lo liệu chu đáo, vì đây là vốn quý của Đảng, không dễ gì đào tạo, thử thách. Các đồng chí về được sớm ngày nào hay ngày ấy. Các địa phương đang rất cần người có kinh nghiệm để lãnh đạo đẩy mạnh cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật tiến tới Tổng khởi nghĩa giành độc lập, tự do cho cả nước”.

Sau này, lần lượt nhận được tin của nhau, tôi mới rõ rằng đêm 12-3 năm ấy, hơn 100 đồng chí đã thoát ra được bằng đường cống ngầm theo kế hoạch chỉ đạo. Toán đi tiếp sau chúng tôi gồm các đồng chí Hoàng Lương Hữu, Bùi Lâm, Lê Trung Hà…

Nguyễn Đình Cần

- - - - - - - - -

Cùng bạn viết

Thăng Long - Hà Nội không phải chỉ có những chuyện trong quá khứ. Trong thời gian tới, đề tài ưu tiên của chúng tôi là thời chúng ta đang sống; những con người, sự kiện, công trình mới... để nói lên sức sống của thành phố hôm nay.

Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@-hanoimoi.com.vn. Phông chữ VnArial.

BTC

ANHTHU