Đêm Trung Thu vui hội múa Lân

Xã hội - Ngày đăng : 18:26, 25/09/2007

(HNMĐT)- Từ xa xưa, Tết Trung Thu thường vui hơn những ngày lễ tết khác bởi tiết trời đã chuyển sang mùa Thu mát mẻ, cùng với tiếng trống thùng..thùng..., từng đoàn múa Lân đi múa khắp phố, kéo theo đoàn dài các em nhỏ rước đèn, hò reo...làm cho đường phố vui nhộn lạ thường.

Những ngày này, những con phố của Hà Nội chuyên bán đồ chơi cho trẻ em như Hàng Mã, Lương Văn Can...tấp nập và đông đúc hơn bao giờ hết. Nhưng cho dù đồ chơi hiện đại của nước ngoài tràn lan, thì 1 món đồ chơi dân gian không thể thiếu vắng trong các cửa hàng đồ chơi Trung Thu là chiếc đầu Sư tử, đủ mọi cấp độ to nhỏ, lớn bé...

Theo những bậc cao niên trong nghề múa Lân còn truyền lại, kỹ thuật múa Lân muốn đạt đến độ thượng thặng khi Lân phải biết rung râu, ngước mắt sao cho thật sinh động, phải thuần thục các vờn múa và trèo, trượt...

Bây giờ thường các đội múa Lân vào dịp Tết Trung Thu là do thanh niên trong phố tập luyện, giữ nhịp và phục vụ các em thiếu nhi. Dẫu kỹ thuật không được thuần thục như xưa nhưng để vui và náo nhiệt vẫn "xôm" ra trò.



Chưa kể đến những đám múa Lân trẻ nhỏ, chơi "nghiệp dư" với chiếc trống ếch, cái đầu sư tử giấy bồi, vòng qua mấy phố làm vui. Cái vui giản dị trong nhịp chân, trong ánh nến, trong tiếng cười, dới ánh trăng trong vắt trước khi phá cỗ....

Bởi vậy mà múa Lân đã trở thành một trò chơi hấp dẫn, nó cuốn hút cả những người cao niên, thanh niên và các em nhỏ học múa Lân và say mê tập luyện. Người Hà Nội thường nhắc đến những đội múa Lân chuyên nghiệp như ông Giao ở phố Hàng Chai, đội múa Lân Hàng Mã, đội múa Lân làng Triều Khúc...Gần đây, người Hà Nội còn biết đến một đội múa Lân Huy Anh Đường của võ sư Nguyễn Ngọc Huy trên phố Kim Mã.

Sở dĩ đội múa Lân Huy Anh Đường nổi tiếng bởi tính chuyên nghiệp cao của nó. Võ sư Nguyễn Ngọc Huy cho biết, anh đam mê múa Lân từ nhỏ, nên luôn thích sưu tầm đầu sư tử. Sau này, theo học môn võ Thiếu Lâm, anh càng say mê tìm hiểu, múa Lân theo các thế võ và luôn nhận được sự tán thưởng của mọi người.

Đội múa lân của Huy giờ khá hùng hậu với 35 với 4 con rồng và 10 con lân với đủ sắc màu cùng đầu đủ giàn trống vài chục chiếc cho bữa đại tiệc trung thu trên phố. Trong những ngày Trung Thu này, đội múa Lân của Huy Anh Đường khá "đắt sô", với gần 50 sô diễn khắp nơi.

Để trở thành đội múa Lân đẹp và chuyên nghiệp, võ sư Nguyễn Ngọc Huy đặt ra yêu cầu rất cao cho các môn sinh. Anh đã phải mời 6 người bạn từ trong Nam ra nắn chỉnh lại từng động tác cho các môn sinh của mình sao cho Kỳ Lân lúc vươn mình phải vững chãi, khi xoay người phải đẹp như thế đảo sơn...Những thế múa yêu cầu phải luyện công để đạt đến được "mai hoa thung" và trèo cây hái lộc. Đó là những thế khó trong múa Lân mà cả Hà Nội chưa có đội múa nào đạt tới.

Múa Lân không chỉ là trò chơi dân gian yêu thích của trẻ nhỏ, đây là một thú chơi dân gian thanh tao của ông cha để lại. Vì vậy, những đội múa Lân này là những "nghệ nhân" âm thầm gìn giữ truyền thống đó cho người Việt.

Tuyết Minh

TUYETMINH