Hoa, cây cảnh trong phát triển nông nghiệp thông minh của Hà Nội
Sản phẩm dịch vụ - Ngày đăng : 17:32, 23/12/2022
Hoa, cây cảnh gắn bó mật thiết với thăng trầm của lịch sử dân tộc và của Hà Nội. Đây không chỉ là một thú chơi mà còn là nét văn hóa của người dân Thủ đô..., góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị văn minh.
Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng nhanh
Hà Nội hiện là địa phương được đánh giá có mức tăng trưởng trong ngành trồng hoa, cây cảnh lớn nhất cả nước. Mấy năm trở lại đây, diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội cũng tăng mạnh từ 5.484ha năm 2015 lên 7.960ha năm 2020. 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín... với nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao.
Trong tham luận gửi Hội thảo định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp cùng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết: “Để phát triển kinh tế nông thôn, bên cạnh phát triển các loại cây trồng vật nuôi phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân thì UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 390 ngày 17-1-2019 về danh mục sản phẩm nông nghiệp cần khuyến khích và ưu tiên, hỗ trợ, thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hoa, cây cảnh cũng đang là sản phẩm nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nông nghiệp thông minh trên địa bàn Thủ đô”.
Cũng theo ông Chí, với lợi thế là đất trăm nghề, đến nay, Hà Nội đã công nhận được 313 làng nghề, làng nghề truyền thống trong đó có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống về hoa, cây cảnh như: Làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo, Xâm Xuyên, Nội Thôn (huyện Thường Tín); làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi, Liễu Trì, Đại Bái (huyện Mê Linh); làng nghề cây cảnh, hoa giấy thôn Phù Đổng (huyện Gia Lâm); làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm); làng nghề trồng quất cảnh xã Tàm Xá (huyện Đông Anh); làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân, làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ)… Với các tiến bộ mới về giống, quy trình chăm bón, hệ thống dinh dưỡng khoáng, tự động, ánh sáng và nhiệt độ được điều chỉnh, năng suất cây trồng đạt khá cao và việc sản xuất bước đầu được xem là hiệu quả.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Hà Nội hiện có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình trồng hoa cây cảnh ứng dụng công nghệ cao có thể kể đến mô hình ươm trồng lan hồ điệp của Công ty cổ phần Toàn Cầu (Toàn Cầu JSC) với quy mô sản xuất đã tăng từ 5.000m2 diện tích nhà kính ban đầu lên thành 3ha và dự kiến sẽ được mở rộng thành 10ha vào năm 2025.
Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao của Hợp tác xã Đan Hoài - Flora Việt Nam (Đan Phượng, Hà Nội) cũng là một trong những mô hình trồng hoa lan công nghệ cao được coi là một hình mẫu của mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại sau 15 năm phát triển. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 1.200 gia trại hoa lan, chủ yếu là lan VAR có quy mô từ 300m2 trở lên được đầu tư công nghệ thông minh có hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, các vùng hoa chuyên canh của Hà Nội như: Tây Tựu, Mê Linh, Đan Phượng, Gia Lâm… cũng từng bước được ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu thực tế.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường lựa chọn công nghệ, thiết bị thông minh trong việc quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng nông sản. Điển hình là ứng dụng xây dựng nhà màng, nhà lưới có hệ thống tự động hóa trong điều khiển hệ thống tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; hệ thống giám sát có thể phân tích đất đai, dự báo năng suất, phát hiện sâu bệnh, dịch hại; ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ canh tác không sử dụng đất, công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc, công nghệ nhân nuôi tế bào thực vật quy mô công nghiệp, sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong bón phân và phòng trừ dịch bệnh…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu về sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh thì vẫn còn có nhiều khó khăn bất cập nên ngành hoa, cây cảnh chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Theo ông Chí, suất đầu tư cho hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao thường là lớn xong việc tiếp cận chính sách vay vốn còn gặp nhiều khó khăn như cây cảnh chưa có đơn vị định giá để làm tài sản thế chấp nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Chính sách về ứng dụng công nghệ cao chưa thực hiện được, hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất hoa, cây cảnh mà chủ yếu mô hình khuyến nông nên chưa tạo được đột phá để tạo giá trị gia tăng cao. Hỗ trợ cho các làng nghề hoa cây cảnh cũng chỉ mới tập trung vào công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống…
Để phát triển hoa, cây cảnh trong phát triển nông nghiệp thông minh, Hà Nội rất cần sự quan tâm, chung tay của các cấp chính quyền trong việc bổ sung, chỉnh sửa, tháo gỡ những nút thắt trong thực hiện chính sách ở cơ sở nhằm tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển ngành hoa, cây cảnh. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác quy hoạch và bố trí nguồn lực để phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh là mũi nhọn và chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế, cải tạo môi trường nhằm thiết thực phục vụ chương trình nông thôn mới và phát triển đô thị…