Hà Nội tăng kết nối cung cầu sản phẩm qua hình thức trực tuyến

Sản phẩm dịch vụ - Ngày đăng : 09:45, 26/12/2022

Đón đầu xu thế tiêu thụ, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp qua mạng xã hội, mấy năm trở lại đây, Hà Nội đã sáng tạo, tích cực triển khai các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) qua hình thức trực tuyến.

Với mục tiêu thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho mặt hàng nông sản, thời gian qua, bên cạnh sự chủ động của một số nông dân, ngành Thông tin và Truyền thông đã tích cực hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được hơn 1.600 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất kinh doanh, chiếm 19% của cả nước.

Để các sản phẩm đến được với người tiêu dùng trong cả nước và vươn ra tầm quốc tế, thành phố Hà Nội đã quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩn nông nghiệp có thể kể đến sự kiện “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội” diễn ra vào ngày 6-6-2021, với 10 chủ thể tham gia và là chương trình đầu tiên tại Việt Nam, có ý nghĩa tích cực đối với các chủ thể OCOP Hà Nội trong bối cảnh thiếu đầu ra cho các sản phẩm cũng như sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn (ngày 1-9-2021) và tổ chức khai trương mô hình thí điểm “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” (ngày 24-9-2021). Kết quả, diễn đàn đã tiêu thụ được hơn 650 tấn bưởi Thồ của huyện Phú Xuyên đến kỳ thu hoạch.

Bên cạnh đó là phối hợp với Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN và Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu và Phát triển cộng đồng tổ chức 5 khóa học miễn phí về xúc tiến thương mại nông nghiệp và bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) với sự tham gia của gần 500 học viên đến từ 273 đơn vị sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản và sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội và thuộc 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sau khóa học, các chủ thể đã chủ động livestream bán hàng trực tuyến sản phẩm để người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm. 

Sau 5 lần tổ chức mô hình thí điểm “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” và Chương trình thí điểm sự kiện “Kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền” trên nền tảng kỹ thuật số của Chợ đêm trên mây thành phố Hà Nội vào 20h30 thứ sáu hằng tuần, có trên 50 chủ thể tham gia với trên 1.000 đơn hàng, nhằm giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. 

Năm 2022, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cũng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm Chương trình OCOP của Hà Nội trên nền tảng giải trí bán hàng TikTok... Đây được đánh giá là sự kiện quan trọng của năm 2022 nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội nhằm giúp các tổ chức, cá nhân quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền trong cả nước. Trước đó, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã phối hợp với TikTok cùng các đối tác triển khai các lớp tập huấn, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các chủ thể OCOP trên nền tảng TikTok…

Nhờ cách làm sáng tạo, tích cực triển khai các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm OCOP qua hình thức trực tuyến, nhiều thương hiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội đã được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội mấy năm qua đã được tiêu thụ kịp thời mà không cần dùng đến hình thức “giải cứu”.

Huệ Anh