Trở về với đồ chơi dân gian

Văn hóa - Ngày đăng : 09:09, 17/09/2007

Trẻ em tô vẽ mặt nạ tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Bảo Lâm(HNM) - Dịp rằm Trung thu năm nay, các quầy hàng đồ chơi cho trẻ em đã bắt đầu quay trở lại với  đồ chơi bằng đất nung, gốm sứ, gỗ, mây tre... Dường như ý  thức sáng tạo đồ chơi dân gian truyền thống đang hồi sinh. Họa sĩ Hoàng Văn Bào - Phó Chủ nhiệm khoa Sư phạm Âm nhạc - mỹ thuật (Đại học Sư phạm Hà Nội) có cuộc trò chuyện với chúng tôi về vấn đề này:

- Xin ông cho biết một vài cảm nhận của mình về đồ chơi dân gian VN ?

- Theo tôi, đồ chơi dân gian VN là quá trình lao động, sáng tạo chứa đựng giá trị và tính thẩm mỹ cao. Trò chơi dân gian do nhân dân sáng tạo nên, thường được làm bằng vật liệu có sẵn trong tự nhiên. Chúng ta ai cũng có một thời chơi ô ăn quan, rồi chơi khăng, đánh đáo, thả diều, chơi đèn lồng, đèn kéo quân, mặt nạ, đầu sư tử... Tôi nghĩ đấy là những đồ chơi mang tính thẩm mỹ cao, rất quí và rất phong phú.

- Ông vừa đề cập tới tính thẩm mỹ trong đồ chơi dân gian. Tính thẩm mỹ ấy sẽ giúp trẻ nhận thức cái đẹp trong cuộc sống như thế nào ?

- Ngoài chất liệu, sự độc đáo, ở đồ chơi dân gian còn thể hiện ở cách chế tác, hình thù, kỹ thuật trang trí... Ví dụ như người ta làm khuôn rồi bồi giấy để làm một cái mặt nạ, một cái đầu sư tử. Sau khi hình thành kiểu dáng rồi thì phải trang trí sao cho cái đầu sư tử ấy rực rỡ hơn, đẹp hơn. Đấy chính là cách tạo nên nét đẹp riêng cho từng loại đồ chơi.

- Ông có thể nói rõ hơn về “cái tôi” của đồ chơi dân gian Việt Nam thể hiện qua việc trang trí ấy được không ạ ?

- Đồ chơi nước nào cũng mang đặc trưng thẩm mỹ của dân tộc đó. Chiếc mặt nạ của Việt Nam khác mặt nạ của các nước khác vì nó chịu ảnh hưởng cho cái phong tục, tập quán, đời sống văn hóa Việt Nam. Đèn kéo quân của ta, về nguyên lý thì giống đồ Trung Quốc nhưng cách thức trang trí thì khác. Trung Quốc trang trí đèn theo tích của họ, với những Lão tử, Khổng tử... Đèn ấy vào ta thì được Việt Nam hóa bằng cảnh bộ đội hành quân, người cày, bừa, những tích tuồng, chèo mang sắc thái Việt Nam.

Một gia đình làm đầu sư tử trên phố Hàng Mã. Ảnh: Thảo Nguyên

- Nhưng ta không thể phủ nhận thực tế là đồ chơi truyền thống đang bị đồ chơi hiện đại lấn át. Đồ chơi dân gian sẽ tồn tại ra sao, thưa ông ?

- Theo tôi, xu hướng ấy là không thể tránh. Xã hội phát triển, ban đầu người ta thích hướng tới tiện nghi, muốn ở nhà cao tầng, trang thiết bị hiện đại... nhưng đến một lúc nào đó lại muốn quay trở lại cội nguồn, muốn về với thiên nhiên, thích du lịch sinh thái. Trong lĩnh vực đồ chơi cũng vậy. Nhiều thứ đồ chơi hiện đại thiếu tính thẩm mỹ và có xu hướng cổ súy bạo lực. Hơn nữa, trẻ chơi những trò ấy một cách độc lập, không có tính cộng đồng. Một mình chơi “ghêm”, một mình đánh cờ trên vi tính... Chơi cờ theo kiểu truyền thống thì ít nhất phải có hai người, rồi có người xem, cổ vũ cho nhau nữa. Chơi đèn kéo quân, đèn ông sao cũng vậy, nó giúp gắn kết cộng đồng, đề cao tính tập thể. Chính vì thế, tôi tin rằng đến một lúc nào đó người ta sẽ quay lại với trò chơi truyền thống.

- Đúng là gần đây, càng lúc càng có nhiềutổ chức, đơn vị và phụ huynh quan tâm đến trò chơi dân gian. Ông có nhận định gì về xu hướng này ?

- Đó là điều tích cực, đáng khích lệ. Xã hội càng phát triển thì người ta càng dễ chán đồ chơi hiện đại, đó là cơ hội cho trò chơi dân gian - thứ rất dễ kiếm, dễ làm, nhiều khi có sẵn trong tự nhiên, và cách chơi thì rất phong phú: chơi được ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều người chơi chung một trò...

- Nhưng, nhiều người băn khoăn về chất lượng đồ chơi truyền thống. Đèn ông sao xộc xệch, trẻchơimột lúc đã hỏng...

- Đây là vấn đề cần lưu tâm. Về kỹ - mỹ thuật thì phải đáp ứng yêu cầu bền, đẹp. Tôi cho rằng việc này không khó vì vật liệu, phụ kiện làm đồ chơi ngày nay phong phú, dễ kiếm tìm hơn trước nhiều. Cũng đừng quá e ngại bởi đồ chơi dân gian bằng giấy, bằng bột không nhất thiết phải bền, vì giá thành của nó rất rẻ. Tất nhiên, chúng ta cũng phải lo cải tiến mẫu mã và độ bền.

Và, chúng ta cần đưa việc học làm đồ chơi dân gian vào nhà trường, tổ chức cho các em chơi. Đưa bảo tồn và phát triển vốn văn hóa - văn nghệ dân gian vào nhà trường còn góp phần hình thành nhân cách trẻ thơ.

- Xin cảm ơn ông.

Mai Hồng

ANHTHU