Bảo đảm an toàn cho bữa ăn bán trú của học sinh
Xã hội - Ngày đăng : 06:24, 12/10/2022
- Năm học 2022-2023, số lượng học sinh ăn bán trú hằng ngày tại trường là bao nhiêu, thưa ông?
- Thành phố Hà Nội hiện có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.840 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh mầm non và phổ thông. Trong số này, có gần 1.800 trường học tổ chức bán trú, bao gồm các trường mầm non, phần lớn các trường tiểu học và một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Hằng ngày, các nhà trường phục vụ trung bình gần 1 triệu học sinh ăn bán trú. Đối với bậc mầm non, việc nuôi dưỡng là nhiệm vụ, nên các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà bếp được đầu tư đúng quy chuẩn; nhân viên nấu ăn có trình độ chuyên môn, kỹ năng và bảo đảm sức khỏe. Tuy nhiên, với các bậc học lớn hơn, việc tổ chức bán trú xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh học sinh do không có điều kiện đưa đón giữa giờ, giúp con không phải về nhà buổi trưa, các nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm để tổ chức nấu ăn tại trường hoặc cung cấp suất ăn cho học sinh.
- Với số lượng học sinh ăn bán trú đông như vậy, ông có thể cho biết công tác quản lý chất lượng bữa ăn tại các trường học được triển khai thế nào?
- Theo quy định, công tác quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học được phân cấp cho UBND các quận, huyện, thị xã, nhưng với trách nhiệm là đơn vị quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đều ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm và phòng, chống ngộ độc; tổ chức phong trào thi đua về an toàn, thực phẩm trong toàn ngành…
Sau gần 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tổ chức bán trú của các trường bị gián đoạn trong thời gian khá dài. Do đó, trước khai giảng năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường đặc biệt quan tâm rà soát, bổ sung các điều kiện tổ chức bán trú. Các nhà trường tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh phải thực hiện đúng các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm, được cấp giấy chứng nhận hoặc cam kết “Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”; ký kết hợp đồng, có thỏa thuận chặt chẽ về việc mua thực phẩm, cung cấp suất ăn với các đơn vị uy tín, đủ điều kiện pháp lý. Riêng các trường ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn còn phải bảo đảm đơn vị cung cấp suất ăn có địa điểm không quá xa với trường học để bảo đảm cho học sinh có bữa ăn đúng giờ. Ngành Giáo dục cũng chủ động triển khai các mô hình điểm về an toàn thực phẩm; phối hợp với Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú…
- Được biết, ngành Giáo dục dự kiến nhân rộng mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các trường học trên địa bàn thành phố. Xin ông chia sẻ về nội dung này?
- Từ học kỳ II năm học 2021-2022, ngành Y tế Hà Nội đã tổ chức thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của 215 trường học thuộc 10 quận, huyện. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình tác động tích cực trong công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngành Giáo dục hy vọng mô hình này sớm được nhân rộng, nhằm nâng cao chất lượng dinh dưỡng và bảo đảm an toàn sức khỏe, hạn chế thấp nhất các nguy cơ rủi ro liên quan đến bữa ăn ở trường học đối với học sinh. Tuy nhiên, để làm tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo, hướng dẫn của ngành Giáo dục, thì sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp là điều kiện không thể thiếu.
- Xin ông nói rõ hơn về nội dung này?
- Sự quan tâm của UBND các cấp trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm cho nhà trường là không thể thiếu (như đầu tư xây dựng, cải tạo nhà bếp, nhà ăn, cung cấp nước sạch, điều kiện thoát nước, nhà vệ sinh, khu vực rửa tay, dụng cụ bảo quản, chế biến thức ăn…), đồng thời giải quyết tình trạng bán hàng rong xung quanh trường học. Bên cạnh đó, cần sự chung sức của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn chuyên môn; giới thiệu danh sách, địa chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng để nhà trường lựa chọn... Sự tham gia giám sát quy trình tổ chức bữa ăn bán trú của cha mẹ học sinh cũng là yếu tố quan trọng.
- Ghi nhận từ thực tế cho thấy, đơn giá bữa ăn hiện nay ở các trường có sự chênh lệch đáng kể. Ông nhận định về điều này như thế nào?
- Đây là vấn đề cần có sự trao đổi và đồng thuận của phụ huynh học sinh để bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh. Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thì giá cao hơn so với giá sản phẩm tương tự ở thị trường tự do. Tuy nhiên, đây là sự lựa chọn của người tiêu dùng, của phụ huynh học sinh. Tôi tin rằng, ở nhà trường, với số lượng học sinh ăn bán trú lớn, ổn định thì giá mua vào sẽ thấp hơn so với mua lẻ. Đây là điều phụ huynh học sinh nên cân nhắc, từ đó có sự quyết định để lựa chọn phù hợp, nhằm bảo đảm dinh dưỡng và an toàn cho học sinh.