Họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm: ''Ước mơ của tôi là ra mắt một triển lãm riêng dành cho lụa''
Xã hội - Ngày đăng : 15:43, 29/10/2022
- Thưa họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm! Năm 2013 chị đã giới thiệu những tác phẩm sơn mài. Sau gần 10 năm, mới đây chị lại trình làng những bức tranh với chất liệu giấy dó và lụa. Hẳn chị đang có nhiều điều mới mẻ muốn chia sẻ với người yêu hội họa?
- Đã lâu tôi mới tổ chức triển lãm. Nếu như trước đây tôi làm sơn mài rất nhiều thì bây giờ tôi muốn thay đổi chất liệu. Giấy dó và lụa có gì đó man mác, mềm mại, trong khi sơn mài khó thể hiện được điều đó. Trước đây tôi cũng từng vẽ trên giấy dó, chỉ có điều chưa giới thiệu đến mọi người. Trong triển lãm “Dó và lụa” lần này, tôi muốn ra mắt mọi người hai chất liệu truyền thống của dân tộc mà tôi đã dành nhiều năm tìm hiểu.
- Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, năm lên 6 chị theo gia đình đi sơ tán. Chắc hẳn những kỷ niệm nơi vùng quê ấy đã đi vào tranh của họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm?
- Hồi ấy tôi mới học lớp 2 hay lớp 3 gì đó. Tôi sống ở nông thôn một thời gian ngắn rồi lại về Hà Nội, nhưng những hình ảnh cầu ao, giếng nước, sân đình, cánh đồng lúa chín, bờ ruộng, con đê... để lại nhiều ấn tượng với tôi đến tận bây giờ. Sau này, mỗi khi ra ngoại thành hay đến các tỉnh lân cận tôi đều háo hức. Khi nhìn thấy cánh đồng, những đứa trẻ chăn trâu..., tôi thấy như những ngày thơ ấu trở về. Hồi bé chúng tôi thường rủ nhau chơi chuyền, nhảy ngựa. Tôi vẫn nhớ quần áo chúng tôi mặc lúc bấy giờ cũng rất giản dị: Quần bà ba, áo nâu. Những hình ảnh đó đã đi vào tranh tôi một cách tự nhiên, những chàng trai, cô gái hay những cô bé, cậu bé đi chân trần, đội nón trắng...
- Tuy vẽ về cảnh làng quê, những con người chân chất nhưng ấn tượng của bất cứ ai khi nhìn tranh của chị là màu sắc rất sáng, tươi vui và có hơi hướng của sự tối giản. Có thể coi đó là phong cách của chị?
- Tôi vốn thích cách dùng màu trong tranh dân gian như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống. Bởi vậy, khi được học hội họa, tôi vẫn bị ám ảnh bởi lối vẽ của phương Đông nói chung, của Việt Nam nói riêng. Vì thế, tôi đã kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại. Khi vẽ tranh, tôi muốn giữ lại màu sắc nguyên bản, rực rỡ chứ ít khi pha màu. Bên cạnh đó, tôi rất thích lối vẽ đơn giản, dễ hiểu, kể cả khi diễn đạt những câu chuyện phức tạp. Khi mình đang mệt mỏi, nhìn tranh sẽ cảm thấy được thư giãn, và tôi tin người yêu tranh cũng vậy. Trong tranh của tôi, đôi bàn tay dù là của trẻ em, của thiếu nữ thôn quê hay của các nhà sư đều rất đơn giản, nhưng khi ngắm tranh, người xem sẽ cảm nhận được sự nồng ấm.
- Dường như với họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm, hội họa là ký ức, là sự tưởng tượng. Có điều gì hạn chế sự sáng tạo của chị?
- Tôi cảm thấy hài lòng với thực tế cuộc sống. Tôi bị bại liệt từ năm lên 3 tuổi. Sức khỏe không được tốt đã cản trở tôi, đặc biệt là trong việc đi lại. Thế nhưng chính điều đó đã thúc đẩy tôi nỗ lực hơn để thỏa mãn niềm đam mê, qua đó gửi gắm sự tự tin, tình yêu cuộc sống đến những ai cũng bị khuyết tật như mình. Không bao giờ tôi nghĩ mình kém so với những người bình thường khác. Ngày xưa, tôi đến với hội họa cũng không đơn giản. Tôi từng thi “trượt” đại học. Trải qua 3 năm ôn luyện về hội họa, tôi mới thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật. Hồi ấy, chúng tôi phải thi hai lần, một lần thi để vào học trung cấp 3 năm và sau đó lại thi tiếp để học lên đại học. Cả khóa học chỉ có khoảng 20 - 22 người. Còn bây giờ, việc tuyển sinh đơn giản hơn và số lượng sinh viên theo học chuyên ngành hội họa cũng nhiều hơn trước.
- Tôi để ý là những bức tranh trong mỗi triển lãm của chị đều công khai giá, điều mà không nhiều người “mạnh dạn”?
- Tôi thấy hầu hết họa sĩ khi trưng bày triển lãm, dù ở các nhà văn hóa, gallery hay đại sứ quán thì không đề giá tranh. Tôi thì nghĩ, mình đã dụng công sáng tạo sản phẩm thì nên công khai giá với người xem. Đó cũng là cách để họa sĩ và nhà sưu tầm gặp gỡ một cách thoải mái. Sau khi triển lãm “Dó và lụa” kết thúc, tôi đã bán được 5 bức tranh, và thêm một bức sơn mài tôi vẽ từ trước. Những người mua tranh của tôi không mặc cả.
- Ngắm nhìn tác phẩm trên chất liệu giấy dó và lụa, tôi coi đó là sự chinh phục của chị với hội họa. Chị có định gắn bó lâu dài với hai chất liệu truyền thống này?
- Sau cuộc triển lãm này, tôi vẫn muốn nghiên cứu về lụa sâu hơn nữa. Tôi muốn tìm hiểu về bút pháp thể hiện trên lụa. Về mặt hình họa, họa tiết trên tranh thì tôi đã thành thạo, nhưng với chất liệu “khó tính” như lụa thì cần thêm thời gian. Ước mơ của tôi là ra mắt một triển lãm riêng dành cho lụa.
- Cảm ơn họa sĩ Tạ Thị Thanh Tâm về cuộc trò chuyện!