Thúc đẩy đào tạo nghề cho người khuyết tật
Xã hội - Ngày đăng : 07:39, 07/11/2022
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về những rào cản đối với người khuyết tật trong việc học nghề, tìm kiếm việc làm, gia nhập thị trường lao động?
- Thứ nhất, đó là rào cản về khả năng tiếp cận thông tin. Thực tế cho thấy, bản thân người khuyết tật và gia đình họ nhiều khi rất thiếu thông tin về ngành nghề đào tạo phù hợp, về các trường chấp nhận đào tạo nghề cho người khuyết tật. Thứ hai, phải kể đến rào cản tự thân, do chính người khuyết tật và gia đình cho rằng, ngay như sinh viên không khuyết tật ra trường vẫn còn thất nghiệp, huống hồ người bị khiếm khuyết, kiếm đâu ra việc làm. Thứ ba, đa phần người khuyết tật hoặc gia đình có hoàn cảnh tương đối khó khăn, không đủ tài chính, nguồn lực để lo chi phí ăn, ở, đi lại khi phải đi học xa nhà, trong khi không nhiều người chủ động tìm kiếm thông tin về các quỹ học bổng, chương trình hỗ trợ, miễn giảm học phí. Thứ tư, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay vẫn chưa chủ động xây dựng chiến lược, quy trình, kế hoạch đào tạo để sẵn sàng trang bị đủ kiến thức, kỹ năng đào tạo người khuyết tật, nhất là người khiếm thị, khiếm thính.
- Vậy theo ông, chúng ta cần hỗ trợ như thế nào để người khuyết tật có thể phát huy năng lực, có việc làm phù hợp, tự tin hòa nhập cộng đồng?
- Tại Quyết định số 1190/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5-8-2020 phê duyệt chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 nêu rõ, một trong các mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là có 200.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Đồng thời, xác định nhiệm vụ trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, bao gồm rà soát và hoàn thiện văn bản hướng dẫn tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật; thống kê, đánh giá các cơ sở đào tạo nghề đối với người khuyết tật và nhu cầu học nghề của người khuyết tật; xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề đối với người khuyết tật linh hoạt về thời gian, địa điểm, tiến độ...
Để hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập thông qua hoạt động giáo dục nghề nghiệp, các trường đào tạo nghề nên xây dựng chiến lược, quy trình, tiêu chuẩn tuyển sinh, xác định rõ tỷ lệ phần trăm học sinh người khuyết tật, có sự tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp dành cho người khuyết tật trên cơ sở năng lực, sở thích, tính cách và đặc điểm dạng tật của mỗi người, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Chương trình đào tạo cũng cần được xây dựng linh hoạt, có tài liệu, thiết bị, phương pháp giảng dạy, đánh giá phù hợp với dạng tật. Đơn cử như có bài thi bằng audio hoặc chữ braille, sử dụng thêm kính phóng to, các phần mềm hỗ trợ đọc màn hình, như: JAW, Be My Eyes dành cho người khiếm thị; sử dụng câu ngắn, trắc nghiệm, có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, có thể sử dụng phần mềm Live Transcribe đối với người khiếm thính…
- Nhiều năm làm công việc tư vấn, hỗ trợ người khuyết tật kết nối, tìm kiếm học bổng, việc làm, ông có lời khuyên nào dành cho người khuyết tật?
- Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật hoạt động từ năm 2005 đến nay, được viết tắt là DRD, mang thông điệp là “Đời Rất Đẹp”, bởi chúng tôi nhìn người khuyết tật trước tiên bằng năng lực, giá trị, khả năng của mỗi người, chứ không nhìn vào khiếm khuyết của họ, trên cơ sở đó tư vấn, kết nối các nguồn lực về học bổng, trang thiết bị hỗ trợ học tập, giới thiệu việc làm, hỗ trợ pháp lý…, giúp người khuyết tật phát huy năng lực để phát triển. Con đường giúp người khuyết tật vượt qua tự ti, khẳng định giá trị bản thân, có thể sống độc lập, chính là tham gia các khóa đào tạo nghề ở bậc trung cấp, cao đẳng, đại học một cách bài bản, chuyên nghiệp. Có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ, người khuyết tật hãy chủ động tìm kiếm thông tin, lựa chọn học ngành nghề phù hợp năng lực, tính toán kỹ về nơi đào tạo, xác định rõ cơ hội việc làm. Tôi mong sẽ ngày càng có nhiều người khuyết tật được học nghề, hoặc học lên cao hơn nữa.
- Trân trọng cảm ơn ông!