Hình thành nền nông nghiệp đa giá trị

Xã hội - Ngày đăng : 06:19, 13/11/2022

(HNM) - Những năm gần đây, nông nghiệp Thủ đô đã có nhiều chuyển động tích cực với việc hình thành nhiều vùng chuyên canh chất lượng cao gắn với chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong xu thế phát triển mới, để ứng phó hiệu quả với biến động của thị trường, tiến trình đô thị hóa, Hà Nội cần phát triển một nền nông nghiệp đô thị theo hướng xanh, đa giá trị, lợi ích. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh nội dung này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.

- Thị trường sản phẩm nông nghiệp đã và đang hình thành nhiều phân khúc với những nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Nông nghiệp Hà Nội sẽ làm gì để đáp ứng nhu cầu này, thưa đồng chí?

- Từ những đòi hỏi thực tế của cư dân đô thị, thị trường sản phẩm nông nghiệp đã hình thành nhiều phân khúc khác nhau. Giá trị nông sản không chỉ là dinh dưỡng mà được mở rộng với nhiều yếu tố như tăng cường sức khỏe, ngăn chặn bệnh tật, cải thiện tầm vóc, bảo vệ môi trường; giá trị nông sản tiếp tục được tăng thêm khi gắn với du lịch, dịch vụ,…

Từ những yêu cầu mới từ thị trường; sản xuất nông nghiệp không đơn thuần là quy mô, năng suất, sản lượng mà cần tích hợp đa giá trị như dinh dưỡng, môi trường, du lịch, dịch vụ...

Và với vị trí của Thủ đô, nơi hội tụ nhiều “chất xám”, thuận lợi về khoa học và công nghệ, đầu tư, kinh tế - xã hội và thị trường hơn nhiều địa bàn khác; trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi mong rằng các nhà nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sẽ hỗ trợ Hà Nội sản xuất ra nhiều loại nông sản đáp ứng các yêu cầu mới của đời sống xã hội và người dân Thủ đô.

- Cùng với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Hà Nội cần hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Đồng chí đánh giá thế nào về quan điểm này?

- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, với Hà Nội và nhiều địa phương vừa là mục tiêu, vừa là đích đến. Điều này là đúng và hợp với xu thế chung. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận đa chiều về nông nghiệp công nghệ cao. Từ thực tế của một số địa phương sở hữu vị trí tự nhiên đẹp; nhưng nay với mật độ dày đặc của các nhà màng, nhà lưới, nhà kính... đã làm thay đổi không gian sinh thái, giảm màu xanh thiên nhiên, gây hiệu ứng nhà kính, cũng như ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị...

Vì vậy, nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội phải phát triển theo hướng bền vững, sinh thái để “Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp”. Đây là “bài toán” khó, cần có lộ trình và mạnh dạn thay đổi về tư duy nhận thức; trước hết phải giải quyết được vấn đề quy hoạch nông nghiệp, nông thôn Thủ đô cần có sự gắn kết với phương hướng phát triển Thủ đô, phát triển ngành Nông nghiệp và các quy hoạch, phương án phát triển lĩnh vực liên quan: Đô thị, xây dựng, giao thông, kế hoạch sử dụng đất, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch; xác định được khâu đột phá, phương hướng phát triển, tính đặc thù của ngành, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, lĩnh vực, theo hướng.  

Vừa là mục tiêu, vừa là đích đến   

- Để phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng bền vững, sinh thái cần làm tốt công tác quy hoạch trong nông nghiệp, nông thôn. Vậy công tác quy hoạch lĩnh vực này cần tập trung vào những nội dung nào, thưa đồng chí?        

- Theo tôi, quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp, nông thôn bảo đảm phù hợp với xu hướng đô thị hóa; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng sinh thái, của nông nghiệp Thủ đô về trí tuệ, khoa học và công nghệ, đầu tư, kinh tế - xã hội, thị trường… Việc phát triển nông nghiệp của Hà Nội cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, theo hướng tuần hoàn, thích ứng với điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu; khai thác hiệu quả đất đai vùng bãi ven sông bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai và gắn phát triển nông nghiệp sinh thái với du lịch trải nghiệm; gắn công nghệ cao với chế biến, bảo quản…

Cụ thể quy hoạch phát triển nông nghiệp cần xác định rõ định hướng, quy mô, diện tích sản xuất nông nghiệp, theo hướng tập trung vào khâu sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chủ lực để phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế Thủ đô.
Trong lĩnh vực trồng trọt cần nghiên cứu về việc tập trung sản xuất những giống cây nông nghiệp, hoa, cây cảnh phù hợp với đặc điểm, điều kiện đất đai đô thị, thị hiếu người dân Thủ đô, bảo đảm môi trường sinh thái, phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp cần tiếp tục rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở phân biệt rõ 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), tổ chức cắm mốc giới để quy hoạch phát triển theo đúng chức năng; chuẩn hóa lại toàn bộ dữ liệu, xác định cụ thể chỉ giới, đẩy mạnh công tác số hóa và phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi cần rà soát lại việc phát triển hình thành vùng chăn nuôi gia súc lớn (bò, lợn) tập trung tại các huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh trong thời gian quy hoạch để qua đó có lộ trình hỗ trợ người dân chuyển đổi kế sinh nhai bền vững. Còn đối với các địa phương khác cần phát triển chăn nuôi xa khu dân cư. 

Trong lĩnh vực thủy sản cần rà soát, tập trung duy trì và phát triển thủy sản tại những vùng có diện tích mặt nước lớn, vùng trũng, khu vực được tiếp cận từ nguồn nước sông Đà; phát triển thủy sản gắn với du lịch, dịch vụ.      

Đối với các quy hoạch mang tính kỹ thuật như phát triển hạ tầng, đê điều, thủy lợi cần có phương hướng tầm nhìn quy hoạch, đầu tư các công trình thủy lợi cần gắn với tiêu thoát nước, đặc biệt tại các địa phương có tốc độ đô thị nhanh. Đặc biệt việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng đê điều, thủy lợi phục vụ sản xuất cần gắn với đường giao thông, trong quá trình cứng hóa hệ thống đê điều, thủy lợi cần mở rộng mặt cắt...

Các sở, ngành, đơn vị liên quan cần rà soát khu vực dân cư và số liệu dân cư thực tế khu vực bãi sông theo nội dung phân khu đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để phân tích, điều chỉnh, tích hợp vào quy hoạch Thủ đô cho phù hợp với quá trình đô thị hóa. Đây là những đòi hỏi bức thiết từ đời sống cần được tháo gỡ cũng như thúc đẩy quá trình phát triển bền vững.

- Xác định khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp Thủ đô là dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng và gắn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái với du lịch trải nghiệm; gắn công nghệ cao với chế biến, bảo quản. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn vấn đề này?

- Phát triển nông nghiệp của Thủ đô cần có đặc thù riêng theo hướng tập trung vào khâu phát triển, sản xuất cây, con giống mới phù hợp với tiềm lực, vị trí, đặc điểm đất đai đô thị, thị hiếu người dân Thủ đô qua đó mang lại giá trị cao cho người dân. Các quy trình canh tác nông nghiệp phải tiên tiến theo hướng tuần hoàn, hữu cơ, giảm phát thải; các vùng sản xuất cần có công nghệ xử lý, tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải trong chăn nuôi và phụ phẩm chế biến nông sản, thực phẩm để tái sử dụng, tạo hệ sinh thái tuần hoàn bền vững.

Do đó trong thời gian tới Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác với chuyên gia, các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực này, điển hình như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam để cùng với ngành Nông nghiệp nghiên cứu, xây dựng các mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp cũng như nghiên cứu bảo quản và đa dạng hóa các sản phẩm từ các loại nông sản đặc sản của Hà Nội (mơ chùa Hương, nhãn chín muộn, cam Canh...) phục vụ du lịch.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bạch Thanh