Quyết liệt chống buôn lậu và hàng giả

Xã hội - Ngày đăng : 06:18, 25/12/2022

(HNM) - Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, thị trường hàng hóa khá sôi động. Đây cũng là thời điểm tình trạng gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp, càng cần sự kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt từ cơ quan chức năng. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Trưởng cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389/TP), Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Trần Việt Hùng về vấn đề này.

Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện, xử lý một cơ sở kinh doanh nhiều sản phẩm thời trang giả các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam, tháng 11-2022.

- Cuối năm thường là thời điểm tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có xu hướng diễn biến phức tạp. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Những tháng cuối năm, hàng hóa nhập lậu lưu thông trên địa bàn thành phố chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu… Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn đối phó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng như lợi dụng việc các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử để quay vòng hàng hóa. Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng cáo, bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng… rồi gửi hàng qua các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, phát hiện.

Trong tháng 11-2022, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389/TP đã kiểm tra, xử lý 3.087 vụ vi phạm, khởi tố 5 vụ với 5 đối tượng; thu, nộp ngân sách trên 564,9 tỷ đồng. Riêng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội kiểm tra 518 vụ, xử lý 485 vụ; xử phạt vi phạm hành chính trên 5 tỷ đồng; chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định 3 vụ.

- Vậy, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã có những giải pháp nào để ổn định thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão?

- Ngoài những công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã bám sát chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường; Ban Chỉ đạo 389/TP và căn cứ tình hình thực tế địa bàn thành phố để triển khai các công việc chuyên môn, nhằm quản lý chặt chẽ thị trường thời điểm cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là 3 đội cơ động, tăng cường theo dõi địa bàn, nắm bắt diễn biến thị trường để xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm, phát sinh, kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo đảm cho nhân dân đón Tết an vui và đầm ấm.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, lực lượng quản lý thị trường đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người tiêu dùng kỹ năng nhận biết hàng thật, hàng giả; tuyên truyền về các văn bản pháp luật liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng, trách nhiệm liên quan đến người sản xuất, kinh doanh…

- Trong kế hoạch kiểm tra đợt cao điểm cuối năm, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tập trung triển khai những nhiệm vụ gì, thưa ông?

- Chúng tôi tập trung kiểm soát, xử lý triệt để, có trọng tâm, trọng điểm các đối tượng vận chuyển, kinh doanh, tập kết hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, chúng tôi tập trung kiểm tra các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa tại địa bàn các quận, huyện như: Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên… khi vào thời điểm này, các chủ hàng đã bắt đầu vận chuyển hàng hóa về tập kết tại các kho.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được nêu trong kế hoạch, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đội quản lý thị trường trực thuộc tập trung kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, không trùng lặp, chồng chéo, tuân thủ đúng quy định, quy trình, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm nhằm răn đe các đối tượng; kết hợp hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm với tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đặc biệt không gây phiền hà, trở ngại đối với hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Theo kế hoạch, đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm trên địa bàn thành phố Hà Nội kéo dài trong 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 2-2023.

- Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, theo ông, người dân cần làm gì để góp phần chống hàng lậu, hàng giả?

- Trước hết, người tiêu dùng cần tự trang bị kiến thức pháp luật, khi mua và sử dụng hàng hóa phải lựa chọn những mặt hàng, thương hiệu uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có thời hạn bảo hành, thời hạn sử dụng, nhãn thực phẩm đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần tự trang bị những kiến thức cần thiết thông qua tiếp cận các nguồn tin để có khả năng kiểm soát đối với những chiêu thức kinh doanh mới xuất hiện, đặc biệt là hình thức kinh doanh qua mạng internet đang nở rộ hiện nay. Ngoài ra, người tiêu dùng khi mua hàng cần phải lấy hóa đơn để bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như phối hợp cùng lực lượng chức năng phát hiện, tố giác những vi phạm về chất lượng hàng hóa.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hiền