Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động: Những kết quả đáng ghi nhận
Xã hội - Ngày đăng : 11:16, 06/01/2023
- Thưa ông, trong bối cảnh có những doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành phố phải cắt, giảm lao động dịp cuối năm 2022, tình trạng này có xảy ra trên địa bàn Hà Nội?
- Hậu quả của đại dịch Covid-19 và tác động của bối cảnh quốc tế hiện nay đã dẫn đến một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô, có 31 doanh nghiệp phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với 13.016 lao động. Trong đó, có 10.374 lao động bị giảm giờ làm, 2.642 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; 6 đơn vị phải cắt giảm trên 100 lao động. Riêng khu công nghiệp và chế xuất có 7 doanh nghiệp phải giảm giờ làm của người lao động hoặc buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó có 1.609 lao động bị giảm giờ làm; 634 người của 4 đơn vị bị chấm dứt hợp đồng lao động…
- So với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… thì số lượng lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động trên địa bàn Hà Nội chiếm tỷ lệ không nhiều. Trong khi đó, việc Hà Nội giải quyết việc làm cho 203.027 lao động, đạt 127% kế hoạch của năm 2022, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021 thực sự là kết quả rất ấn tượng, thưa ông?
- Kết quả đó có được là nhờ trong năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của thành phố, cũng như các cơ quan, ban, ngành địa phương, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch trong lĩnh vực lao động việc làm, đặc biệt là Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 26-1-2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc “Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Hàng loạt giải pháp đã được thực hiện, bao gồm: Tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động; tích cực hỗ trợ, duy trì việc làm ổn định cho người lao động và thực hiện tốt phúc lợi xã hội… Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tham mưu UBND thành phố ban hành các quyết định về bổ sung và phân bổ nguồn vốn ngân sách bổ sung và phân bổ nguồn vốn ngân sách thành phố năm 2022 ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội để người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn vay phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn Thủ đô.
- Đánh giá 1 năm thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND, theo ông, đâu là những kết quả đáng ghi nhận?
- Thống kê năm 2022 cho thấy, Hà Nội đã tạo việc làm cho 62.700 lao động từ việc xét duyệt, giải ngân cho hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội. Doanh số cho vay từ nguồn này ước đạt 3.000 tỷ đồng, đạt 156% kế hoạch (theo Kế hoạch số 34/KH-UBND, mục tiêu cho vay từ nguồn vốn ngân sách thành phố chỉ là 1.924 tỷ đồng). Bằng nhiều giải pháp quyết liệt của thành phố, các cấp, các ngành, hội đoàn thể đã thực hiện tốt chỉ tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 3,18% (giảm 0,79% so với năm 2021), bảo đảm mức dưới 4% theo kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, một số đơn vị đã triển khai tích cực các giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, hoàn thành vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đưa ra. Cụ thể, huyện Phú Xuyên giải quyết việc làm cho 5.048/3.200 lao động, đạt 157%; quận Long Biên giải quyết được 8.662 lao động/6.000 lao động, đạt 144% theo kế hoạch; huyện Ứng Hòa giải quyết việc làm cho 5.717/4.200 lao động, đạt 136%; huyện Thanh Oai giải quyết việc làm cho 4.700/3.500 lao động, đạt 134%.
Về công tác hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thẩm định, phê duyệt phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề đối với 6 doanh nghiệp, 1.240 lao động. Việc đầu tư trường chất lượng cao, nghề trọng điểm để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động Thủ đô luôn được chú trọng.
Công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm và chỉ đạo thường xuyên. Nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn, hộ khó khăn tại khu vực đô thị thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi.