​​​​​​​Tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề đất đai

Xã hội - Ngày đăng : 06:21, 15/01/2023

(HNM) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học và các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, kỳ vọng khi được thông qua sẽ giúp giải quyết, tháo gỡ triệt để những khó khăn vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, tạo động lực cho phát triển đất nước. Nhân dịp Tết đến xuân về, phóng viên Báo Hànộimởi đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về vấn đề này.

Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Xây dựng hệ thống pháp luật đất đai đồng bộ, thống nhất, ổn định

- Xin Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết những chính sách lớn quan trọng của Luật Đất đai trong lần sửa đổi này?

- Các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội đặt ra yêu cầu đối với việc sửa đổi Luật lần này là xây dựng cho được hệ thống pháp luật đất đai đồng bộ, thống nhất, ổn định, tổng thể, chiến lược, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết được yêu cầu của thực tiễn; phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đồng thời, thông qua Luật Đất đai, sẽ thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Chính vì vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung 11 nhóm chính sách lớn: Quy định cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai; những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; quy định quyền của công dân trong tiếp cận đất đai, thông tin đất đai, tham gia trong xây dựng chính sách, lập quy hoạch, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giám sát việc thực hiện; bổ sung một số quyền của người sử dụng đất trong việc thế chấp, cho thuê lại quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm...; bổ sung, hoàn thiện nguyên tắc lập quy hoạch bảo đảm liên kết vùng, thống nhất đồng bộ với các quy hoạch ngành có sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị...

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, với sự tham gia của đại diện HĐND, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức tư vấn, chuyên gia về giá đất để bảo đảm tính độc lập, khách quan; đối với khu vực có bản đồ địa chính số, dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn; quy định đăng ký giá, đề xuất chính sách thuế liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất... để người dân kê khai đúng giá giao dịch, qua đó góp phần xây dựng dữ liệu giá đất đủ tin cậy, phản ánh khách quan, trung thực giá trị thị trường, làm đầu vào cho công tác định giá, từ đó loại bỏ được các yếu tố dị thường như thổi giá, sốt giá.

Một điểm đổi mới quan trọng nữa của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai; giảm tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bằng các quy định cụ thể về kiểm toán đất đai, theo dõi, đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai, kiểm tra chuyên ngành đất đai; quy định thẩm quyền cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai; quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn; hoàn thiện các cơ chế giám sát trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.

- Vậy vấn đề khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo với các luật, bộ luật liên quan thì sao, thưa Phó Thủ tướng Chính phủ?

- Chính phủ đã rà soát 112 luật, bộ luật có quan hệ với dự thảo Luật Đất đai; xác định 88 luật, bộ luật có chứa đựng quy phạm đất đai, trong đó 22 luật, bộ luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn. Trên cơ sở đó, Chính phủ sửa đổi bổ sung trong Luật Đất đai những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai; đồng thời bổ sung quy định tại Điều 4 về áp dụng pháp luật đối với trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với các luật khác.

Cầu thị lắng nghe, dự báo các tác động

- Thưa Phó Thủ tướng Chính phủ, có những giải pháp nào để bảo đảm tính khả thi của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), qua đó tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội?

- Đây là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, từng người dân; có tác động tới việc thực thi của nhiều pháp luật khác có liên quan. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác lập pháp nhiệm kỳ này; thành công của Dự án Luật này là thước đo năng lực xây dựng pháp luật, năng lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, năng lực kiến tạo phát triển, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức, cơ quan hữu quan.

Ngay từ khâu xác định chính sách, đã được thực hiện một cách kỹ lưỡng từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xuất phát từ tổng kết Nghị quyết số 19- NQ/TƯ và thi hành Luật Đất đai, những vấn đề đặt ra đối với phát triển đất nước để xem xét những chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, được khảo sát, lấy ý kiến tham vấn các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng tác động.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, luôn cầu thị lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện để hoàn thiện dự thảo Luật sao cho nội dung có khả thi, phù hợp với thực tiễn cuộc sống và có báo cáo về các nội dung tiếp thu, giải trình. Đồng thời, phân tích, dự báo các tác động của chính sách; các điều kiện để tổ chức thực thi.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân (từ ngày 3-1 đến 15-3-2023), dự thảo Luật sẽ được tiếp thu, giải trình, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ năm và thông qua tại kỳ họp thứ sáu.

- Việc lấy ý kiến toàn dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đên thời điểm này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị ra sao, thưa Phó Thủ tướng Chính phủ?

- Các công việc chuẩn bị đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ tiến hành hết sức khẩn trương.

Trước hết, đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị triển khai thực hiện.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân của Chính phủ để triển khai bảo đảm khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan và hiệu quả, trong đó bao gồm cả việc tổ chức lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp trong quá trình tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thứ ba, Chính phủ cũng đã khẩn trương tiếp thu giải trình ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp thứ tư để hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi gửi các cơ quan hữu quan để tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Thứ tư, xác định các nội dung xin ý kiến nhân dân phù hợp đối tượng như nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các tổ chức kinh tế; các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học.

Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân để Luật Đất đai (sửa đổi) đạt được mục tiêu đặt ra, phản ánh hơi thở thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, tạo động lực mới cho phát triển đất nước, mang lại lợi ích cho toàn dân.

- Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng Chính phủ!

Ánh Dương