Để Tết thêm ấm áp...!
Xã hội - Ngày đăng : 17:15, 17/01/2023
Ngày 17-1, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, khẳng định: “Với những người làm công tác bảo trợ xã hội, ai cũng ý thức rõ việc thực hiện nhiệm vụ chăm lo người yếu thế để tất cả đều có Tết là trách nhiệm của mỗi người”.
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về công việc của những người làm công tác bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023?
- Những ngày này, ai cũng mong chờ được nghỉ Tết. Nhưng với những người làm công tác bảo trợ xã hội, chuyện trực Tết 24/24 giờ là chuyện rất bình thường. Bởi hằng ngày, họ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chăm lo, trợ giúp những người yếu thế trong xã hội, bao gồm người tâm thần, người khuyết tật, người già cô đơn và các đối tượng bảo trợ xã hội khác đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố. Thậm chí, trong dịp Tết Nguyên đán, công việc của những người làm công tác bảo trợ xã hội càng bận rộn hơn, để bảo đảm chăm lo cho các đối tượng yếu thế được đón Tết vui vẻ, đầm ấm. Hiện nay, tất cả các đơn vị bảo trợ xã hội đều đã xây dựng kế hoạch trực Tết, kế hoạch chăm lo cho các đối tượng ở các trung tâm.
Bên cạnh đó, công tác tập trung người lang thang ăn xin cũng được chú trọng trong dịp Tết, để những người vô gia cư được chăm sóc, đón Tết tại các trung tâm bảo trợ xã hội, không để tình trạng ăn xin, “chèo kéo” khách tại các điểm du lịch, đình, đền, chùa… dịp đầu năm làm ảnh hưởng đến môi trường văn minh và an ninh trật tự. Sở đã chỉ đạo 3 trung tâm trực thuộc có chức năng tập trung người lang thang, và có các đội trật tự xã hội, bao gồm Trung tâm công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội; Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1 và Trung tâm Bảo trợ Xã hội 2, triển khai thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn các quận, huyện.
- Những người làm công tác bảo trợ xã hội đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Ai cũng muốn có thời gian nhiều nhất bên người thân mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhưng với những người làm công việc mang tính chất phục vụ như công tác bảo trợ xã hội, tất cả đều ý thức rõ trách nhiệm của mình, hy sinh niềm riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi các đối tượng bảo trợ xã hội có nhiều đối tượng rất đặc thù, đơn cử như những người khuyết tật nặng, trong đó nhiều người không tự chăm sóc được bản thân trong sinh hoạt hằng ngày, đòi hỏi các viên chức, người lao động tại các trung tâm phải duy trì công việc như ngày thường, thậm chí hơn cả ngày thường để giúp họ có Tết vui, Tết ấm.
Với các đội trật tự xã hội ở các trung tâm, việc rà soát địa bàn trong những ngày giá rét, tập trung người lang thang xin tiền, đưa về các trung tâm bảo trợ chăm sóc không chỉ được duy trì, mà còn phải tăng cường trong tất cả các ngày nghỉ Tết. Công việc vô cùng vất vả, khó khăn, trong khi đó, thu nhập của họ rất thấp, khó bảo đảm cuộc sống đủ đầy. Nhưng tất cả vẫn gắn bó với nghề, chăm sóc những người yếu thế như người thân, với tình yêu thương và sự chăm sóc ân cần.
Một cái khó nữa, đó là công việc tập trung người lang thang rất phức tạp, bởi có những người lang thang ăn xin không phải do đói nghèo thực sự, mà họ liên quan đến những đối tượng “bảo kê”, “chăn dắt”. Vấn nạn này đặc biệt hay xảy ra vào dịp Tết, nơi đình, đền, chùa…, ở những ngã ba, ngã tư đường phố. Việc tập trung đối tượng này lên xe để trở về trung tâm rất khó khăn, phần vì các đối tượng “bảo kê” hầu như đã quen mặt anh chị em đội trật tự xã hội, thường xuyên theo dõi, “đánh động” để đối tượng lang thang xin tiền kịp thời nhảy lên xe ôm trước khi xe của đội trật tự xã hội đến nơi; hoặc đưa được đối tượng lên xe thì người “bảo kê” chặn đầu xe, gây sự ngay lập tức, thậm chí sẵn sàng ẩu đả. Đã có những viên chức, người lao động của đội trật tự xã hội phải đi điều trị phơi nhiễm vì bị những đối tượng này gây thương tích.
- Qua thực tiễn công việc, ông thấy những người làm công tác bảo trợ xã hội cần sự hỗ trợ như thế nào để phát huy tối đa hiệu quả công việc?
- Với việc tập trung người lang thang, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm và hiệu quả của chính quyền địa phương cấp xã, phường, thị trấn. Năm 2022, tỷ lệ người lang thang do các xã, phường, thị trấn đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội chỉ chiếm khoảng 20 đến 25% tổng số đối tượng người lang thang xin tiền được đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội. Còn lại, chủ yếu là do 3 đội trật tự xã hội của 3 trung tâm bảo trợ xã hội tập trung.
Địa bàn rộng, đối tượng người lang thang ăn xin thường xuất hiện rất nhiều dịp Tết, vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các sở, ngành, cùng thực hiện tốt chỉ đạo của UBND thành phố về việc tập trung, tiếp nhận người lang thang vào các trung tâm bảo trợ xã hội.
Đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô, chúng tôi sẽ rà soát, tiếp tục tham mưu, đề xuất thành phố ban hành những chính sách đặc thù của Hà Nội để tăng độ phủ của “lưới an sinh xã hội”, mở rộng đối tượng được thụ hưởng, kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, tạo sinh kế để họ thoát khỏi khó khăn. Thêm nữa, chúng tôi tiếp tục rà soát để tham mưu sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết của HĐND thành phố và các quyết định của UBND thành phố về mức trợ cấp, hỗ trợ đối với các đối tượng hiện đang được nuôi dưỡng chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
- Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!