Nhiều giải pháp hữu hiệu trong công tác giảm nghèo
Xã hội - Ngày đăng : 10:59, 27/01/2023
- Quan tâm chăm lo người nghèo ở thời điểm Tết đến Xuân về là nhiệm vụ quan trọng, trong đó có sự vào cuộc của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội. Ông có thể chia sẻ đôi điều về vấn đề này?
- Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố tặng quà hơn 1 triệu người với tổng kinh phí hơn 554 tỷ đồng đối với các đối tượng hưởng chính sách, bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, mức quà (bằng tiền mặt) là 500.000 đồng/hộ đối với hộ nghèo; 300.000 đồng/hộ đối với hộ cận nghèo. Ngoài quà tặng của thành phố, các địa phương tùy vào điều kiện và khả năng thực tế có thể có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các gia đình chính sách xã hội khó khăn trên địa bàn quản lý, bảo đảm các đối tượng đều có Tết.
- Theo kết quả rà soát, đầu năm 2022, thành phố Hà Nội có 3.612 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 0,16%; tổng số hộ cận nghèo là 30.176 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo là 1,38% (trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm của cả nước là 5,2%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 4,15%). Các con số này đã thay đổi thế nào sau 1 năm Hà Nội thực hiện các giải pháp giảm nghèo?
- Thực hiện công tác giảm nghèo, ngay từ đầu năm 2022, Sở đã xây dựng kế hoạch giảm 20% số hộ nghèo so với đầu năm (tương đương giảm 723 hộ nghèo); giảm 10% số hộ cận nghèo (tương đương giảm 3.018 hộ cận nghèo). Trên cơ sở các kế hoạch của thành phố, các địa phương cũng đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện, đồng thời tích cực đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm nghèo trong tình hình mới.
Hết năm 2022, thành phố giảm được 1.582 hộ nghèo, đạt 218,8% kế hoạch. Cuối năm 2022, toàn thành phố còn 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng số hộ dân (trong đó, khu vực nông thôn là 2.128 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,17%). Có 11/12 quận (trừ Hoàng Mai còn 06 hộ nghèo) và 5/18 huyện (gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì) không còn hộ nghèo; trong đó, có 3 quận không còn hộ nghèo, cận nghèo (Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình). Cuối năm 2022, toàn thành phố còn 22.263 hộ cận nghèo, chiếm 1% tổng số hộ dân toàn thành phố.
Trong năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã xây dựng báo cáo nhà ở hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch 2022-2025; đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thị xã rà soát, lập danh sách hộ có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố xây dựng kế hoạch vận động hỗ trợ. Công tác giảm nghèo bền vững được các quận, huyện, thị xã thực hiện với nhiều giải pháp; người nghèo tích cực vươn lên và mong muốn thoát nghèo bền vững.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, đồng thời, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thực hiện Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 8-12-2021 của HĐND thành phố về quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
- Hiện tại, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2022; đồng thời giao chỉ tiêu giảm nghèo năm 2023 cho các địa phương. Vậy trong năm 2023, Sở xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu liên quan công tác giảm nghèo thế nào để thực hiện các chỉ tiêu thành phố giao, thưa ông?
- Năm 2023, Hà Nội phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo so với đầu năm (tương đương giảm 642 hộ nghèo). Để làm được điều đó, chúng ta phải thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nói cách khác, phải thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không"; chú trọng phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, Hà Nội cần tiếp tục hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin), nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, rất cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các xã khó khăn. Cùng với đó, chúng ta phải nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả và phát huy sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng tại các địa phương; triển khai các mô hình việc làm công gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn; các mô hình hợp tác, liên kết giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thu hút lao động nghèo vào làm việc ổn định trong các doanh nghiệp.
Để thực hiện các nhiệm vụ đó, chúng ta cần tăng cường hiệu quả công tác truyền thông để huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên chủ động thoát nghèo của người nghèo. Bên cạnh đó, phải tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp về nghiệp vụ, quy trình, công cụ, phần mềm rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; các văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả triển khai thực hiện Chương trình.
- Trân trọng cảm ơn ông!