Sân khấu cần sự khác biệt

Xã hội - Ngày đăng : 07:23, 11/02/2023

(HNMCT) - Nguyễn Trường Khang là diễn viên trẻ đầy tiềm năng của sân khấu Lực Team do Nghệ sĩ Ưu tú Trần Lực thành lập. Anh đã sớm bộc lộ năng khiếu của một diễn viên. Tình yêu với sân khấu của anh bắt đầu khi là một sinh viên, được “truyền lửa” từ người thầy của mình. Sinh năm 1999, diễn viên trẻ Nguyễn Trường Khang đang từng bước hiện thực ước mơ sân khấu qua từng vai diễn.

Diễn viên trẻ Nguyễn Trường Khang diễn xuất trong vở “Antigone”.

- Sinh ra trong gia đình không có ai làm nghệ thuật, điều gì đã đưa bạn đến với sân khấu?

- Ngay từ khi học tiểu học, cả lớp tôi đều rất thích đọc "Thần thoại Hy Lạp". Mỗi tuần chúng tôi có một buổi lên thư viện. Tôi vẫn nhớ các bạn trong lớp, ai cũng chọn "Thần thoại Hy Lạp" chứ không phải là "Doraemon", "Conan"... Thế rồi sau đó mỗi người chọn một vai, đóng kịch với sự hào hứng, ngây ngô của những đứa trẻ. Những năm học THCS, THPT, tôi tham gia đóng kịch, làm MC... trong những buổi sinh hoạt trường. Tôi rất vui khi làm công việc này, và đã quyết định thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. May mắn là bố mẹ đã ủng hộ khi nhìn thấy niềm vui cũng như quyết tâm của tôi.

- Nếu nói về một dấu mốc rất quan trọng trong cuộc đời bạn, đó có thể là gì?

- Khi học đại học, tôi may mắn được học với thầy Trần Lực. Thầy cũng chính là giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi. Tôi nhanh chóng thấm nhuần phương pháp sân khấu của thầy - ước lệ, tối giản. Nếu như phương pháp của sân khấu hiện nay là hiện thực tâm lý đã được áp dụng từ nhiều năm nay, thì thủ pháp tối giản, ước lệ còn khá mới mẻ. Vì sao nhiều khán giả không mặn mà với sân khấu? Là vì người ta có thể ở nhà để xem ti vi và có nhiều hình thức giải trí khác. Vì thế, thầy của tôi quan niệm rằng sân khấu cần phải khác đi.

Thầy của tôi, NSƯT Trần Lực luôn quan niệm rằng, diễn viên sân khấu phải biết nhiều môn nghệ thuật khác. Với sân khấu Lực Team, mọi người sẽ thấy luôn có trống giữ tiết tấu cho vở diễn. Các vở diễn khác, người ta sẽ “thả” nhạc tùy theo tâm trạng, còn với các vở diễn của chúng tôi thì trống đóng vai trò dẫn dắt tâm trạng của nhân vật, cầm nhịp cho vở diễn. Nó giúp cho vở diễn có được tiết tấu chặt chẽ. Như vậy, nó cũng đòi hỏi diễn viên có thể cảm nhịp, cảm âm, còn nếu diễn một mình một kiểu thì chẳng có trống nào đi theo được. Thứ hai, sân khấu truyền thống hiện nay đang bị gắn nhiều hơn với kịch nói mà quên mất ngôn ngữ của diễn viên còn là hành động. Vô tình chúng ta làm mất đi “công cụ” đa năng của người diễn viên, đó là cơ thể. Muốn biểu hiện bằng ngôn ngữ cơ thể thì người diễn viên cần phải học thêm những kỹ năng khác như múa, biên đạo tuồng hay võ, yoga, nhảy đương đại... Chúng tôi ý thức được rằng mình phải có những kỹ năng đó.

- Vở diễn đầu tiên mà bạn tham gia cùng sân khấu Lực Team là "Antigone" của nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại Sophocles. Ấn tượng của bạn với vai diễn như thế nào?

- Nòng cốt của sân khấu Lực Team là những sinh viên trẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được tập cùng các nghệ sĩ tên tuổi - là khách mời trong những vở diễn. Chúng tôi có nhiệt huyết, có sự say mê và hết mình với những gì đang làm. Diễn viên trẻ không có nhiều kinh nghiệm nhưng chúng tôi có sự hăng say, yêu nghề.

Để chuẩn bị cho vai diễn Creon, tôi phải đọc hiểu kịch bản, phân tích nhân vật, học thuộc lời thoại. Sau đó, khi lên sân khấu, tôi được bổ trợ các kỹ năng về hình thể, đài từ, tiếng nói. Đó phải là thứ tiếng nói thật nhất, đúng với tâm tư của nhân vật và đi thẳng đến trái tim khán giả. Tôi vẫn thường nghe các nghệ sĩ tên tuổi như NSND Trung Anh, NSƯT Kim Oanh chia sẻ rằng họ nắm chắc kỹ thuật, nhưng họ phải thể hiện kỹ thuật ấy một cách tự nhiên.

Sau mỗi đêm diễn tôi lại tự rút kinh nghiệm cho mình. Sau mỗi vai diễn, tôi có cơ hội trưởng thành hơn. Khán giả sân khấu chờ đợi diễn viên có gì mới mẻ chứ không phải là một hình tượng nào đó bị đóng khung.

- Ngoài sân khấu, anh còn có niềm đam mê với điện ảnh?

- Trước khi thi chuyên ngành diễn viên, tôi đã mong ước trở thành đạo diễn. Và giờ tôi sẽ học tiếp chuyên ngành đạo diễn. Tôi cảm thấy khi đã yêu nghệ thuật thì việc đến với những ngành nghệ thuật khác nhau là điều dễ hiểu. Hội họa hay điện ảnh, âm nhạc có sự bổ trợ cho nhau. Tôi vẫn ưu tiên dành thời gian để rèn luyện kỹ năng diễn xuất của mình và mở lòng học hỏi những bộ môn khác. Với bất kỳ việc gì, mình đã làm là phải rất chuyên tâm!

Tôi đang thực hiện một dự án phim do chính tôi làm đạo diễn. Đó là dự án phim ngắn “Việt Nam của tôi” do Viện Goethe khởi xướng. Bộ phim nói về khoảng cách giữa các thế hệ, với những quan điểm trái chiều, với thông điệp chúng ta cần sự đối thoại, chấp nhận nhau. Đây là dự án điện ảnh đã đến với nhiều nước trên thế giới với mong muốn các đạo diễn trẻ có thể thể hiện được câu chuyện của đất nước mình, bằng sự gần gũi, đồng cảm. Bộ phim của tôi dự kiến sẽ công chiếu vào đầu năm nay.

- Trân trọng cảm ơn anh!

Mai Đình