Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng: Phát huy nguồn lực phát triển kinh tế xanh, đô thị sinh thái
Xã hội - Ngày đăng : 06:16, 05/03/2023
Tạo nguồn để lực phát triển
- Những năm gần đây, huyện Thanh Oai nỗ lực triển khai nhiều dự án hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, phát triển đa giá trị, đồng chí có thể chia sẻ về kết quả nổi bật của huyện?
- Phát huy lợi thế và nguồn lực, những năm qua, huyện Thanh Oai đã triển khai nhiều dự án hạ tầng, tạo được bước chuyển tích cực về kinh tế - xã hội. Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, Thanh Oai đã có 5 xã về đích nông thôn mới nâng cao gồm: Tân Ước, Liên Châu, Kim Thư, Dân Hòa, Cao Dương và 1 xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu - Hồng Dương. Kinh tế của huyện có sự chuyển dịch và phát triển, năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.054.063 triệu đồng, bằng 182% chỉ tiêu thành phố giao, là số thu cao nhất từ trước đến nay.
Cùng với đó, Thanh Oai đã và đang triển khai hàng loạt dự án cụm công nghiệp làng nghề, qua đó phát huy thế mạnh từ các làng nghề truyền thống, tạo nguồn lực mới từ văn hóa với việc gắn kết di sản, di tích lịch sử với các hoạt động dịch vụ du lịch… Đồng thời, Thanh Oai cũng chú trọng nâng cấp hàng loạt tuyến giao thông, phát triển và quản lý đô thị theo quy hoạch.
- Xin đồng chí cho biết, đâu là yếu tố chính để huyện Thanh Oai đạt những kết quả nêu trên?
- Như đã trao đổi, kết quả nêu trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, đồng hành, của người dân. Mặt khác, Thanh Oai cũng có thế mạnh riêng, tạo động lực, nguồn lực để phát huy, tạo bứt phá mới trên đường phát triển.
Trước hết, Thanh Oai là huyện thuần nông, có lịch sử lâu đời, mang nhiều nét đặc trưng của nền văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ với hệ thống di tích đình, chùa, làng nghề… Đây là nguồn lực lớn về văn hóa, lịch sử để Thanh Oai kế thừa và phát huy. Làng nghề truyền thống là nguồn lực đặc biệt quan trọng, không chỉ tạo ra hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà còn góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa…
Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg) và Quy hoạch chung xây dựng huyện Thanh Oai đến năm 2030 (UBND thành phố phê duyệt năm 2014 tại Quyết định số 4464/QĐ-UBND), huyện Thanh Oai được xác định là “hành lang xanh” của Thủ đô Hà Nội với tính chất cơ bản là nông nghiệp sinh thái kết hợp các làng nghề, cụm công nghiệp hiện đại gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, bảo vệ giá trị cảnh quan, môi trường sinh thái…
Triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Thanh Oai đã phân kỳ rõ nhiệm vụ, mục tiêu và phân công nhiệm vụ cụ thể tới các ban, ngành, đoàn thể; đồng thời chỉ đạo các xã xây dựng chương trình phù hợp từng địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Oai khóa XXIII đã đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Oai đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trở thành quận của thành phố trong giai đoạn 2028-2030. Theo đó, Thanh Oai sẽ nỗ lực xây dựng và quản lý quy hoạch đáp ứng tiêu chí phát triển Thanh Oai trở thành đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ kết hợp công nghiệp trong tương lai.
- Thế mạnh, mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình triển khai đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, phía trước còn không ít khó khăn, thách thức, đồng chí có thể chia sẻ về vấn đề này?
- Có thể nói, khó khăn lớn nhất của huyện hiện nay là tiến trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh, trong khi đó, một số khu vực, không gian có điều kiện tự nhiên và hiện trạng thuận lợi để phát triển đô thị nhưng chưa có cơ hội phát triển. Mặt khác, hệ thống hạ tầng hiện có của Thanh Oai còn thiếu, chưa được khai thác, chưa được tận dụng tối đa. Đặc biệt, định hướng quy hoạch chung năm 2014 chưa đánh giá thực sự đúng nhu cầu phát triển của Thanh Oai trước cơ hội, điều kiện phát triển mới.
Hệ thống giao thông kết nối và nền kinh tế xanh
- Vậy huyện sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên như thế nào thưa đồng chí?
- Huyện Thanh Oai xác định, phát huy tối đa lợi thế trong xây dựng nông thôn mới nâng cao; những lợi thế về làng nghề, văn hóa, lịch sử để xây dựng nền kinh tế xanh, không gian xanh gắn với phát huy các giá trị văn hóa. Giải pháp đột phá là hệ thống giao thông kết nối giữa các xã, thị trấn và các quận, huyện lân cận. UBND huyện Thanh Oai cùng đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam) đang khẩn trương nghiên cứu nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
- Đồng chí có thể cho biết giải pháp cụ thể để huyện Thanh Oai đạt được mục tiêu trên là gì?
- Thanh Oai xác định rõ, quy hoạch không gian phát triển của huyện phải có tầm nhìn xa và tạo được đột phá; đồng thời có sự khác biệt với quận, huyện khác của Hà Nội. Đặc biệt, cần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, làng quê truyền thống, làng nghề lâu đời; khai thác các trục cảnh quan đặc sắc…
Thanh Oai xác định lấy trục quốc lộ 21B và đường Cienco5, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là động lực phát triển, từ đó, quy hoạch, đầu tư thêm các trục đường ngang. Từ trục đường ngang trở lên phía Bắc chú trọng phát triển đô thị, đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ… Từ trục ngang trở xuống đến phía Nam phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch kết hợp nông nghiệp sinh thái...
Khi hình thành đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Thanh Oai xác định ngay các nội dung mới như: Phát triển một số khu đô thị dọc đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Khu đô thị Cao Viên, các điểm dân cư nông thôn, bãi để xe tĩnh, vườn hoa, hệ thống khu vui chơi, thể dục thể thao...
Mặt khác, Thanh Oai sẽ dành quỹ đất phát triển đô thị tương xứng. Trong hành lang xanh chỉ quy hoạch, xây dựng công trình thấp tầng, không xây dựng cao tầng. Với các khu, cụm công nghiệp đang và sẽ triển khai, Thanh Oai nghiên cứu quy hoạch ở các khu vực gần nhau, không phát triển dàn trải, không ưu tiên phát triển các khu công nghiệp mới; đồng thời lựa chọn lĩnh vực công nghiệp với công nghệ phù hợp, chú trọng bảo vệ môi trường, cảnh quan, hành lang xanh.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, huyện Thanh Oai phấn đấu đến năm 2050 sẽ là đô thị sinh thái hiện đại, một vùng nông nghiệp công nghệ cao và trở thành vùng kinh tế phát triển phía Tây Nam của thành phố theo hướng xanh, hiện đại, thông minh với cảnh quan sinh thái mang dấu ấn đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!