Văn hóa phải thực sự là một trụ cột phát triển

Xã hội - Ngày đăng : 13:27, 05/03/2023

(HNMCT) - Trước khi bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (Đề cương) ra đời vào năm 1943, Việt Nam chưa có một văn bản nào bao quát một cách chính xác về con đường phát triển nền văn hóa nước nhà. Đề cương đã trở thành nền tảng lý luận vững chắc để sự nghiệp phát triển văn hóa mới của đất nước đi theo một định hướng xuyên suốt. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam về khả năng gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành một trụ cột phát triển bền vững của Việt Nam.

- Qua quá trình 80 năm hình thành và đi vào thực tiễn của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, bà đánh giá thế nào về cơ hội và điều kiện thuận lợi để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam?

- Việc nhìn lại 80 năm đi vào đời sống thực tiễn của bản Đề cương giúp chúng ta nhận ra nền văn hóa đa dạng phong phú của Việt Nam với những giá trị được hun đúc, lan tỏa suốt chiều dài lịch sử. Nhưng phải đến năm 1943, lần đầu tiên, tầm nhìn, tư duy phát triển văn hóa của đất nước mới được xác lập thành cương lĩnh với rất nhiều giá trị, trong đó dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa là ba nguyên tắc xuyên suốt, góp phần tạo nên sự chuyển động về nhận thức, hành động trong hoạt động văn hóa của đất nước.  

Sự ra đời của Đề cương đã tạo ra một xung lực mới, góp phần giúp đội ngũ những người làm văn hóa, văn nghệ sĩ, trí thức nắm được nguyên tắc cơ bản để triển khai hoạt động văn hóa, đồng thời xây dựng một nền văn hóa mới có khả năng đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng với tinh thần khách quan, khoa học và hội nhập với thế giới. Với nội hàm này, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là điểm tựa vững vàng cho một khởi đầu mới của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. 

Trong bối cảnh hiện nay, việc kế thừa, vận dụng các nguyên tắc của Đề cương như một động lực của các giải pháp phát huy sức mạnh mềm văn hóa cần được xác định hướng tới sự hội tụ tinh hoa, khát vọng, trí tuệ của toàn dân tộc để đưa văn hóa trở thành trụ cột của sự phát triển toàn diện, bền vững. Vì vậy, chúng ta phải vận dụng các nguyên tắc của Đề cương trên tinh thần bám sát thực tiễn, tạo động lực cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam gắn với phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở đó, từng bước khẳng định vai trò trụ cột phát triển của văn hóa, biến văn hóa thực sự trở thành “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi” và là niềm tự hào, sự thuyết phục đầy bản sắc của Việt Nam với thế giới.

- Từ đây, chúng ta thấy rõ vai trò của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong việc đưa văn hóa  trở thành trụ cột phát triển bền vững?

- Để văn hóa trở thành trụ cột phát triển bền vững, phải có nguyên tắc để triển khai, có căn cứ lý luận, giá trị thực tiễn để kế thừa, phát huy, và mục tiêu phải phù hợp với yêu cầu thời đại. Nếu biết dựa vào văn hóa, tìm ra động lực, chúng ta sẽ khơi dậy được những giá trị quý báu của con người Việt Nam. Muốn vậy, chúng ta phải tạo được môi trường thể chế đủ sức dung dưỡng, khích lệ, sáng tạo nên những sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa đủ sức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của con người Việt Nam. Mặt khác, nó phải thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc, định vị được sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Chỉ với số lượng chữ rất ngắn gọn, nhưng “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã chỉ ra được những thuận lợi, thách thức và xác lập các nguyên tắc mẫu mực để có thể xây dựng được nền văn hóa mới hướng tới sự phát triển bền vững. Để văn hóa trở thành một trụ cột quan trọng của sự phát triển, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn có khả năng tạo ra những giá trị, sự phát triển mang tính bền vững của Việt Nam, tôi cho rằng, cần nhìn nhận sức sống của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” và vận dụng ba nguyên tắc cơ bản theo tinh thần thời đại để thấy cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng luôn có vai trò vô cùng quan trọng, có khả năng tạo động lực cho những giải pháp đột phá.

Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam chỉ phát huy được khi chúng ta định vị trong quá trình hội nhập với thế giới bằng tư duy khoa học, sáng tạo, khát vọng chấn hưng dân tộc, định vị bản sắc và kết nối cộng đồng bằng những giá trị thuyết phục trên phạm vi toàn cầu. Đã đến lúc văn hóa phải thực sự trở thành một trụ cột phát triển của Việt Nam.

- Để phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong mối quan hệ với sức mạnh tổng hợp quốc gia, chúng ta phải bắt đầu từ đâu và cần triển khai những giải pháp nào, thưa bà? 

- Trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển văn hóa với tư cách là một trụ cột của sự phát triển, là sức mạnh mềm văn hóa trong cấu trúc sức mạnh tổng thể quốc gia. Muốn làm được điều này, cần có một giải pháp tổng thể của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội Việt Nam. Nhưng trước hết, phải thay đổi từ nhận thức, đó là: Cần tiếp tục tư duy coi văn hóa là một mặt trận, ưu tiên đầu tư cho văn hóa như đầu tư cho một trụ cột mang tính bền vững. Cần triển khai một số giải pháp đặc thù cho ngành Văn hóa để văn hóa cũng được quan tâm như giáo dục, y tế, giao thông vận tải. Các giải pháp liên quan tới hợp tác công - tư phải được cụ thể hóa để khơi thông các nguồn lực, tạo cơ chế chuyển động mạnh mẽ sức sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa Việt Nam ở thị trường trong nước và quốc tế. 

Muốn phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong mối quan hệ với sức mạnh tổng hợp quốc gia, cần xác định đây không chỉ là vấn đề của ngành Văn hóa, mà còn là mục tiêu chung của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội của Việt Nam. Những hoạt động triển khai phải mang tính khoa học, bắt kịp với xu thế của thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc, định vị được chuỗi kết nối các giá trị sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. Phải có mục tiêu rõ ràng, chính sách phát triển cụ thể và khoa học để biến văn hóa trở thành sức mạnh, xác lập vị thế, năng lực cạnh tranh quốc gia trên bản đồ quyền lực quốc tế. 

Để hiện thực hóa lộ trình phát huy sức mạnh mềm văn hóa, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp cụ thể sau: Hoàn thiện các bộ luật liên quan, bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP; Có chính sách phù hợp tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa; Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nhằm chấn hưng văn hóa; Hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; Hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại có khả năng phát huy tính chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa nhằm lan tỏa mạnh mẽ giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới...

Đây là những giải pháp đảm bảo yêu cầu về phát triển một nền văn hóa mới mang tính dân tộc, đại chúng, khoa học và mở đường cho những bước tiến vững vàng của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên bản đồ sức mạnh mềm văn hóa thế giới. Nói cách khác, đây chính là con đường khơi thông và tối ưu hóa các nguồn lực thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. 

- Trân trọng cảm ơn bà!

Linh Tâm