Giải pháp căn bản, gốc rễ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:36, 19/09/2022

(HNM) - Phát biểu tại hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính lên hơn 90% vào năm 2025. Đây là mục tiêu không dễ dàng, nhưng khả thi đối với thành phố Hà Nội.

Trước khi Thủ tướng yêu cầu, xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, lấy “thước đo” chủ yếu là sự hài lòng của người dân, thành phố Hà Nội đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phải đạt chỉ số mức độ hài lòng của người dân từ 90% đến 95%.

Đến nay, Hà Nội đã đi được một đoạn đường dài hướng đến mục tiêu này. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 của thành phố đã đạt 87,11%. Đo lường cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2021 của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội cho thấy, đã có 7/20 đơn vị cấp sở và 16/30 UBND cấp huyện có chỉ số mức độ hài lòng của tổ chức và người dân đạt hơn 90%. Điều này cho thấy, mục tiêu mà Thủ tướng giao là nằm trong tầm tay đối với cả cấp thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc. 

Tuy nhiên, có không ít khó khăn đang đặt ra. Đơn vị cấp sở có chỉ số mức độ hài lòng thấp nhất còn ở mức 81,64% (Sở Tài nguyên và Môi trường), UBND cấp huyện có mức thấp nhất mới đạt 75,57% (UBND quận Nam Từ Liêm). Trong khi chỉ số hài lòng của tổ chức và người dân năm 2021 tăng lên, thì thứ tự Chỉ số cải cách hành chính của thành phố lại giảm 2 bậc (từ thứ 8 xuống thứ 10). Chưa kể, việc phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính mà thành phố thực hiện đến nay mới chỉ là bước khởi đầu, còn rất khó khăn, phức tạp...

Để Hà Nội đạt mục tiêu về chỉ số mức độ hài lòng hơn 90%, nhất định phải chỉ ra được những nhiệm vụ có khả năng không hoàn thành, ảnh hưởng đến kết quả Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số SIPAS ở cấp thành phố và đặc biệt là đối với 13 đơn vị cấp sở, 14 UBND cấp huyện chưa đạt hơn 90% trong năm 2021. Các sở, ngành, địa phương phải có kế hoạch và giải pháp khắc phục 3 nội dung khiến Chỉ số cải cách hành chính thành phố giảm 2 bậc trong năm 2021. Đó là xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách tổ chức bộ máy hành chính và xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, phải thấu hiểu quan điểm “dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng con người vẫn là mấu chốt”.

Đặc biệt, mỗi cấp, ngành phải thực hiện bằng được tinh thần chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng về vấn đề này. Đó là: Chú trọng rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách, thủ tục phiền hà, làm cản trở các hoạt động bình thường của nhân dân và doanh nghiệp; khắc phục tình trạng trì trệ trong hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; sự chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; tăng cường tính công khai, minh bạch; phải gắn với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm; khắc phục những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu và kiên quyết xử lý những người vi phạm.

Điều này phải được coi là giải pháp căn bản, là gốc rễ để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân không chỉ về mặt chỉ số, mà còn phải thực chất. 

Hà Vũ