Chủ động ứng phó với thiên tai
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:33, 21/09/2022
2022 là năm thứ ba liên tiếp khí hậu toàn cầu ở trạng thái La Nina, khiến các loại hình thiên tai xảy ra với tần suất cao hơn, mức độ khốc liệt hơn và cũng khó dự đoán hơn. Từ đầu năm đến nay, mưa lớn đã xảy ra tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An… làm hàng chục người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, hàng trăm nghìn héc ta hoa màu bị ngập lụt… Thành phố Hà Nội cũng hứng chịu nhiều cơn mưa với cường độ lớn, gây ngập lụt nghiêm trọng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm tình hình thiên tai sẽ diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, nhiều cơn bão có quỹ đạo và cường độ bất thường hoạt động trên Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta; mưa ở các khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên… ở mức cao so với trung bình nhiều năm. Ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... có nguy cơ xảy ra tại nhiều địa phương, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội…
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, giảm thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống của người dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu: Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống thiên tai phù hợp với đặc điểm, nguy cơ xảy ra thiên tai tại từng vùng miền cụ thể…; theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động ứng phó với các tình huống…
Không để bị động, bất ngờ trong việc ứng phó với các loại hình thời tiết cực đoan, thiên tai dị thường, cùng với việc tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các hệ thống quan trắc mưa, mực nước vận hành hồ chứa và thiết bị cảnh báo xả lũ hạ du hồ chứa cũng như hệ thống giám sát trực tuyến vận hành hồ chứa, trọng điểm đê điều…
Mặt khác, các địa phương cần chủ động đầu tư cơ sở vật chất, rà soát, bổ sung phương tiện, trang thiết bị..., bảo đảm chỉ huy cũng như triển khai các nhiệm vụ ứng phó với sự cố và tìm kiếm cứu nạn hiệu quả. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống lụt bão ở cơ sở, các cộng đồng cư dân... theo phương án đã xây dựng và chủ động điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Cùng với phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm sẵn sàng khi có sự cố thiên tai xảy ra, Hà Nội và các địa phương cần củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực ứng phó với các sự cố, kịp thời sơ tán người dân khỏi những khu vực xảy ra thiên tai… để lực lượng này có thể hoạt động một cách hiệu quả. Mặt khác, tăng cường khả năng hiệp đồng với lực lượng vũ trang trong công tác cứu hộ, cứu nạn.
Trong tương lai xa hơn, thiên tai sẽ còn diễn biến bất thường. Các địa phương cần chủ động, thường xuyên triển khai đồng bộ giải pháp để không bị động, bất ngờ…