Điều chỉnh sản xuất cây có múi

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 29/09/2022

(HNM) - Nguồn cung quả có múi đã vượt cầu, nhưng nhiều địa phương vẫn không ngừng mở rộng vùng trồng… Đây là nhận định của Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan. Quy hoạch và quản lý quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả nói chung, cây có múi nói riêng không phải vấn đề mới. Sở NN&PTNT Hà Nội đã khuyến cáo và đưa ra nhiều giải pháp định hướng sản xuất theo yêu cầu thị trường. Thế nhưng diện tích cây có múi vẫn phát triển với tốc độ chóng mặt.

Hà Nội có nhiều loại quả nổi tiếng như cam Canh, bưởi Diễn… Thời gian qua, các loại quả có múi cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với lúa gạo và vì vậy mà phong trào trồng các loại cam, bưởi… đã lan tỏa với tốc độ “chóng mặt” tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, những năm 2007-2008, diện tích cây có múi trên địa bàn thành phố là hơn 2.000ha, giờ đây đã lên đến hơn 10.000ha (chiếm tới 50% diện tích cây ăn quả của Hà Nội).

Diện tích cây ăn quả cũng đang phát triển với cấp số nhân tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc (hiện tại đã lên tới 125.000ha) và sẽ chưa dừng lại. Diện tích tăng, sản lượng tăng, công nghiệp chế biến không theo kịp, chủ yếu bán quả tươi nên nguồn cung vượt nhu cầu. Nếu như trước đây, trên thị trường, mỗi quả bưởi bán được 40.000 đồng đến 50.000 đồng thì giờ đây chỉ khoảng 20.000 đồng. Thậm chí có thời điểm thương lái mua bưởi tại vườn chỉ với giá 8.000 đồng đến 10.000 đồng một quả.

Bên cạnh những rủi ro về thị trường, phát triển “nóng” diện tích cây ăn quả còn dẫn đến nhiều hệ lụy với ngành Nông nghiệp cũng như đời sống xã hội. Và, thực tế cho thấy, chỉ những loại cam, bưởi… có chất lượng cao, có thương hiệu mới tìm được chỗ đứng trên thị trường, phần còn lại, nhìn chung rất khó tiêu thụ kể cả với giá thấp!

Ngành Nông nghiệp đã có định hướng và quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả nói chung, cây có múi nói riêng phù hợp với tập quán canh tác và đặc điểm thổ nhưỡng của từng vùng. Vấn đề lúc này là công tác quản lý quy hoạch. Các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp và các địa phương cần phối hợp tích cực và quyết liệt hơn nữa trong việc điều chỉnh diện tích cây có múi, phù hợp với thực tế phát triển. Đặc biệt là ngăn chặn tình trạng trồng cây có múi theo “phong trào”.

Mặt khác, cơ quan nghiên cứu, chọn lọc giống cây trồng cần phối hợp chặt chẽ với các hợp tác xã, hộ sản xuất đẩy mạnh việc chuyển giao các giống cây trồng đặc hữu, giống cây trồng chất lượng cao, qua đó cải tạo các vườn cây có múi thoái hóa, sâu bệnh…; đồng thời phát triển những mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó là phát huy kinh nghiệm canh tác truyền thống gắn với ứng dụng các quy trình sản xuất mới để có sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng cao của nhà phân phối, thị trường xuất khẩu.

Cùng với việc tạo cơ chế thu hút nhà đầu tư, cần tăng cường chế biến sâu để có nhiều sản phẩm chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế; đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến những thị trường xuất khẩu có giá trị cao. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; hướng dẫn hợp tác xã, hộ nông dân đóng gói sản phẩm đúng quy cách, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và đa dạng các kênh tiêu thụ sản phẩm.

Vấn đề không mới nhưng cần một quyết tâm mới và hệ thống giải pháp mới để phát triển bền vững cây có múi, khẳng định một thế mạnh của ngành Nông nghiệp Thủ đô.

Thế Văn