Hạt nhân của sự phát triển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 03/10/2022
Ở nước ta, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng được xác định là một trong các đột phá chiến lược cho sự phát triển nhanh, bền vững; là nhân tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống. Vì vậy, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ...
Song, thực tế nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ ở nước ta còn chưa đạt hiệu quả bởi chưa hình thành được một thị trường đúng nghĩa. Cũng như các loại hàng hóa khác, muốn thị trường sôi động thì hàng hóa phải đa dạng, sản phẩm của người bán phải đáp ứng được nhu cầu thị trường và người mua phải có niềm tin, động lực khi đặt mua sản phẩm. Nhưng sự vận hành của thị trường đặc biệt này ở nước ta hiện không đồng bộ; các tổ chức trung gian, môi giới chưa liên kết thành mạng lưới để hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường...
Hạn chế này được nhìn nhận thấu đáo ở nhiều khía cạnh. Đó là bởi các viện, trường đại học phát triển sản phẩm chưa phù hợp với doanh nghiệp, còn doanh nghiệp lại chưa có nhu cầu đặt hàng vì một phần chưa đủ niềm tin vào phát minh, sáng kiến công nghệ trong nước, một phần cũng do nhận thức chưa đầy đủ. Trong khi đó, trình độ, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thấp, cơ bản chỉ là mua máy móc, thiết bị mà không có khả năng cải tiến để công nghệ đó hiệu quả hơn. Dù đi sau nhiều nước phát triển về khoa học công nghệ, nhưng doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi thế “đi tắt đón đầu”, còn thụ động, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước...
Sự thiếu gắn kết trên đã khiến thị trường khoa học, công nghệ còn phân tán và bộc lộ nhiều khoảng trống. Nếu không có giải pháp sát thực, khoảng trống sẽ ngày càng lan rộng. Phát biểu tại Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập" tổ chức ngày 23-9 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học, công nghệ là một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Quan điểm chỉ đạo đã rõ, nhưng để thông suốt, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị và là luồng tư tưởng chủ đạo trong cộng đồng doanh nghiệp, các viện, trường, đơn vị nghiên cứu và mỗi người dân, thì điều không thể xem nhẹ là công tác tuyên truyền. Chỉ khi thông suốt về tư duy, nhận thức thì khoa học công nghệ mới trở thành nhu cầu tự thân trong mỗi chủ thể và đây là yếu tố cốt lõi để kích đẩy thị trường khoa học công nghệ phát triển.
Đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư cho tương lai. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần bố trí cán bộ lãnh đạo có năng lực và dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực này. Đồng thời, chú trọng đào tạo, “giữ chân” nhân lực trình độ cao, tâm huyết; có chính sách vượt trội nhằm thu hút, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành...
Tuy nhiên, để tạo vòng tròn khép kín thì ngoài việc có nhân tài, có ý tưởng, còn cần cả chính sách phù hợp. Trong đó, cần có cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Có chính sách hợp lý, chúng ta sẽ ngăn chặn được chảy máu chất xám, giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở góc độ quản lý, các bộ, ngành cần tháo gỡ ngay mọi vướng mắc trong ứng dụng công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu... Đồng thời, thúc đẩy phát triển nguồn cung, tăng cường hoạt động xúc tiến, liên thông, đồng bộ hóa thị trường khoa học công nghệ với thị trường hàng hóa, lao động, tài chính...
Việt Nam đang thu hút lượng lớn các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, do đó, cần tìm giải pháp thích hợp để thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động hội nhập quốc tế để cập nhật tri thức khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới. Đặt trong tổng quan các quốc gia, nước ta đi sau nên cần xác định rõ một trong 3 định hướng: Nhập khẩu công nghệ, tiếp nhận công nghệ và sáng tạo công nghệ thì đâu là mũi nhọn để tập trung nguồn lực đầu tư hiệu quả.
Trường đại học, viện nghiên cứu là đơn vị chủ lực tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ cho thị trường và doanh nghiệp là đầu mối thương mại hóa sản phẩm đó. Chỉ khi có sự kết nối chặt chẽ, tương tác theo đúng quy luật cung - cầu thì thị trường mới hình thành đúng nghĩa để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển.
Chứa đựng xu thế tất yếu, khoa học công nghệ là hạt nhân, là con đường ngắn và đúng đắn nhất để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững; là thước đo khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia, dân tộc.