Ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:46, 05/10/2022

(HNM) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô hiện nay là tập trung nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Thời gian qua, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương có khác nhau nhưng mỗi nơi đều có cách làm riêng, hướng tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Phát huy những kết quả đã đạt được, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND về xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn thành phố có tỷ lệ trường công lập các cấp đạt chuẩn quốc gia 80-85%; đồng thời, duy trì, giữ vững chất lượng các trường đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn 2022-2025, toàn thành phố phấn đấu tăng thêm từ 432 đến 552 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Với những người công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, đây là một tin rất vui bởi việc thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất đạt chuẩn sẽ là cơ sở quan trọng để toàn ngành nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo; thu hẹp dần khoảng cách chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành.

Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, toàn ngành Giáo dục cũng như các ngành chức năng và địa phương trên địa bàn thành phố cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là điều kiện cần thiết để tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn.

Theo đó, giải pháp quan trọng đầu tiên là tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trong đó, cần xác định công tác này là mục tiêu quan trọng trong phát triển giáo dục và đào tạo, là giải pháp tiên quyết góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Đặc biệt, các địa phương cần có hệ thống giải pháp đồng bộ để tháo gỡ  những “rào cản” hiện nay như quỹ đất dành cho giáo dục ngày càng hạn hẹp; ở khu vực nội thành có sĩ số học sinh trên lớp ở mức cao; tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở một số nơi…

Cùng với đó, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng, chính quyền các quận, huyện, thị xã trong việc rà soát, kịp thời bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các điều kiện khác đáp ứng chuẩn quốc gia đối với các trường học. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng và cụ thể hơn là thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị; tăng cường huy động các nguồn lực, bao gồm cả nguồn xã hội hóa phù hợp với quy định của pháp luật…

Ở góc độ các địa phương, cần có giải pháp bổ sung quỹ đất, phân luồng, phân tuyến tuyển sinh bảo đảm quy mô trường, lớp, sĩ số, diện tích đất bình quân/học sinh theo quy định để hoàn thành công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch.

Với các nhà trường, song song với nhiệm vụ quản lý, sử dụng tốt cơ sở vật chất hiện có, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đẩy mạnh việc đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, cần bảo đảm các điều kiện để đáp ứng tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, qua đó góp phần thực hiện xây dựng trường chuẩn quốc gia của thành phố.

Dù còn gặp không ít khó khăn nhưng ngành Giáo dục và Đào nói riêng và cả thành phố nói chung cùng chung tay, nỗ lực để chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.

Bắc Vũ