Giải ngân nhanh, sớm phát huy hiệu quả

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 06/10/2022

(HNM) - Tính đến ngày 28-9, sau 8 tháng triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng số tiền chính sách hỗ trợ đã giải ngân đạt 61.000 tỷ đồng.

Trong đó, chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.522 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà đạt 3.545 tỷ đồng (hơn 5 triệu lao động được hỗ trợ vượt mục tiêu ban đầu là 4 triệu lao động); giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường là 39.422 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn ngân hàng có dư nợ 9.800 tỷ đồng.

Cùng với các chính sách điều hành, nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, số vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giải ngân đã phát huy hiệu quả, góp phần đưa Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý III-2022 tăng 13,67%; GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay. Cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều phục hồi và tăng đồng đều.

Đáng chú ý, nhờ sự phục hồi về sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2022 đạt 94% dự toán năm, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó thu nội địa (thể hiện rõ nhất sự phục hồi của nền kinh tế) đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, tạo dư địa trong điều hành tài khóa, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng năm 2022 cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tăng 10% phản ánh niềm tin của doanh nghiệp và xu hướng mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh khá tích cực.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn. Các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, như áp lực lạm phát từ bên ngoài, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, các nước lớn điều chỉnh chính sách đã tác động đến kinh tế toàn cầu… Trong “bức tranh” doanh nghiệp 9 tháng năm 2022, bên cạnh hơn 163.000 đơn vị thành lập mới, trở lại hoạt động, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, cũng có hơn 112.000 đơn vị rút khỏi thị trường, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mỗi tháng có hơn 18.000 doanh nghiệp ra đời thì cũng có 12.500 doanh nghiệp dừng hoạt động.

Những khó khăn của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đòi hỏi nguồn vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần phải được giải ngân nhanh hơn nữa. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao 147.138 tỷ đồng kế hoạch vốn của chương trình cho 94 nhiệm vụ, dự án của các bộ, ngành, địa phương. Có những vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, thiếu hướng dẫn. Yêu cầu giải ngân nhanh, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải trách nhiệm, quyết tâm hơn. Đi cùng với đó là tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát để đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ làm đúng quy định và nêu cao trách nhiệm của mình.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao các gói hỗ trợ, trông đợi ở các gói hỗ trợ có thể giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn nên cũng kỳ vọng các quy định tiếp cận cũng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đặc biệt trong nước, trước áp lực lạm phát, chính sách lãi suất đã được điều chỉnh để ứng phó. Lãi suất tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt đồng nghĩa doanh nghiệp tăng chi phí sản xuất, khó tiếp cận nguồn vốn hơn. Vì thế gói hỗ trợ 2% lãi suất tín dụng càng phải được nhanh chóng đến với doanh nghiệp.

Về tổng thể, khi nền kinh tế gặp khó khăn, chính sách hỗ trợ tài khóa càng triển khai nhanh, hiệu quả càng phát huy sớm.

Gia Khánh