Đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:25, 17/10/2022

(HNM) - Đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn là chủ trương lớn và nhất quán, là nhiệm vụ chiến lược, trung tâm, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Điểm lại những chủ trương lớn của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa có thể thấy, nổi bật là tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định 8 phương hướng cơ bản thực hiện đến giữa thế kỷ XXI; trong đó “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường” là phương hướng cơ bản thứ nhất. Tầm quan trọng của chủ trương “đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa” được xác lập, bởi chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng có một đặc trưng trọng yếu, xuyên suốt là có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp.

Luôn nhấn mạnh và nhất quán chủ trương bằng tư duy biện chứng, căn cứ quá trình phát triển, Đảng ta đã liên tục bổ sung, điều chỉnh hợp lý về nội dung, mô hình, mục tiêu, quan điểm về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho phù hợp với tình hình mới của đất nước và xu thế hội nhập quốc tế.

Với đường hướng rõ ràng, phù hợp trong mỗi giai đoạn, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta luôn nắm bắt thời cơ, lợi thế, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng chung tay thực hiện mục tiêu lớn là xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành tựu nổi bật là trong hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm qua (2011-2021), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân tăng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) là 6,17%/năm (giai đoạn 2011-2021).

Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2022, GDP tăng 8,83% (cao nhất cùng kỳ từ năm 2011 đến nay). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, dự báo năm 2022 quy mô GDP đạt trên 393 tỷ USD (GDP năm 2021 là 368 tỷ USD; năm 2020 là hơn 343 tỷ USD). Quan trọng hơn là cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỷ trọng đóng góp của công nghiệp và dịch vụ vào GDP đạt khoảng 72,7% năm 2020, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình.

Nhìn trên bình diện chung, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dù đã đạt những thành tựu quan trọng, nhưng soi chiếu vào thực tế, chúng ta vẫn chưa hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao”.

Trước những yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam “Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”; đến năm 2045 “Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, cần phải “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Cụ thể hóa mục tiêu lớn lao và ý nghĩa của đất nước, tại Hội nghị lần thứ sáu (diễn ra từ ngày 3 đến 9-10), Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã quyết định ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Toàn Đảng, toàn dân ta cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta”.

Hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và toàn dân cần phải có nhận thức chung: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, chúng ta phải coi đây là phương thức quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định… Tất cả phục vụ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chí Kiên