Khẩn trương ứng phó mưa lũ phức tạp
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 18/10/2022
Trái đất ấm lên khiến các cơn bão mạnh hơn, thường xuyên hơn, mưa dữ dội và triều cường cũng lớn hơn. Những ngày vừa qua, khu vực miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề của 2 cơn bão, nhưng thiên tai vẫn đeo bám dải đất này.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão số 6 đang di chuyển trên Biển Đông và có diễn biến hết sức phức tạp. Như vậy, người dân vùng “rốn lũ” miền Trung sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức…
Vấn đề cấp thiết lúc này là, các cơ quan chuyên trách, các địa phương vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ giải pháp khắc phục các sự cố sạt lở, vận động người dân “lá rách ít đùm lá rách nhiều” kịp thời hỗ trợ nhau ổn định cuộc sống. Mặt khác là tổ chức rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, lũ quét, đặc biệt là các trường học, trạm y tế…, chủ động phương tiện sơ tán người dân khỏi vùng xung yếu, nguy hiểm.
Cùng với đó là khẩn trương xây dựng và triển khai kịch bản ứng phó với nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ. Trong đó, cần chủ động vật tư, phương tiện, sẵn sàng giải pháp tìm kiếm cứu nạn; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông qua các vùng ngập sâu, các ngầm, tràn; dự trữ nhu yếu phẩm bảo đảm nguồn cung cho các vùng có nguy cơ bị chia cắt…; đồng thời khắc phục nhanh các sự cố hồ đập, bảo đảm an toàn công trình, sẵn sàng điều tiết giảm lũ cho hạ du.
Lũ lụt ở miền Trung ngày càng hung dữ với tần suất và đỉnh lũ cao hơn. Ứng phó hiệu quả với thực tế này không chỉ là nâng cao năng lực dự báo, sẵn sàng các giải pháp theo phương châm “bốn tại chỗ” để hạn chế thiệt hại về người và của mà còn phải chủ động các biện pháp “sống chung”. Đặc biệt là cần nhìn nhận, đánh giá đúng nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Giới chuyên gia trong lĩnh vực này đã đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến thiên tai ngày càng khốc liệt hơn: Đường kính vùng ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão lớn; độ dốc thủy lực của dòng chảy các con sông khu vực miền Trung cao; diện tích rừng đầu nguồn và rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp… và đặc biệt là việc xả lũ có tính đồng loạt.
Như vậy, việc vô cùng quan trọng là đầu tư, nâng cao năng lực của các hồ thủy lợi, thủy điện, bảo đảm vận hành an toàn; đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học cần tính toán tới kịch bản, phương án xả nước “đón lũ” cũng như xây dựng quy trình, bảo đảm vận hành các hồ thủy lợi, hồ thủy điện một cách có hệ thống. Mặt khác là củng cố và nâng cấp hệ thống đê hiện có, đặc biệt là những đoạn xung yếu, ngăn chặn nguy cơ vỡ đê khi mực nước tăng cao.
Về lâu dài, cần đánh giá tác động tiêu cực của công trình dân sinh đối với việc thoát lũ, từ đó có các giải pháp phù hợp như đầu tư xây dựng cầu cống để thoát nước nhanh, giảm đỉnh lũ; có biện pháp nạo vét luồng lạch trên các dòng sông lớn… đặc biệt là trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, nghiêm trị các hành vi phá hoại rừng nguyên sinh, rừng quốc gia…
Từ nay đến cuối năm, bão lũ tiếp tục diễn biến khó lường, cơ quan chức năng và người dân cần chủ động các giải pháp, kể cả trước mắt và lâu dài để ứng phó với tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ.