Phòng ngừa từ sớm, từ xa
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 20/10/2022
Kết quả giám sát cho thấy, công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đạt nhiều kết quả tích cực và song hành với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Tuy nhiên, vấn đề được cử tri, trong đó có cử tri Hà Nội, quan tâm là công tác tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công, nhất là đất đai thời gian qua còn bất cập, hạn chế gì, từ đó có giải pháp tháo gỡ ra sao?
Về nội dung này, khi đề cập tới việc quản lý, sử dụng đất đai, Đoàn giám sát của Quốc hội nhận định còn có nhiều thất thoát, lãng phí đang xảy ra. Trong đó, hầu hết địa phương không thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn tới quy hoạch treo, dự án treo còn lớn. Tại các địa phương có gần 1.740 dự án được phê duyệt nhưng không triển khai, buộc phải hủy bỏ, với diện tích hơn 12.000ha. Ngoài ra, 5 năm qua có 6.225 dự án được Nhà nước giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, tổng diện tích 30.849ha. Nhiều dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất như dự án khu dân cư, đô thị..., nhưng chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, gây lãng phí. Cá biệt, có dự án sau 15 năm từ ngày bàn giao đến nay vẫn bỏ hoang.
Riêng quản lý, sử dụng đất tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, Đoàn giám sát của Quốc hội nhận xét cũng có nhiều bất cập, sai phạm. Theo đó, vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp chuyển nhượng dự án hình thành trong tương lai khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Đa phần tập đoàn, tổng công ty khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm dự án thường góp vốn với các đối tác bên ngoài, rồi sau đó thoái vốn để chuyển giao đất không thông qua đấu giá.
Sẽ khó có thể đong đếm hết những lãng phí ở tất cả các lĩnh vực. Vì thế, việc cần làm ngay là các cơ quan chức năng, các bộ, ngành cần rà soát, tổng kết, đánh giá những tác động chồng chéo, chưa đồng bộ, kịp thời của hệ thống pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với đó là ban hành đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư, xây dựng, dịch vụ công đối với lĩnh vực còn thiếu. Kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định chưa rõ, chưa đầy đủ, mâu thuẫn, thuộc thẩm quyền liên quan đến pháp luật ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá, nợ công, tài sản công, đất đai... và các pháp luật chuyên ngành có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Ở cơ sở, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện trách nhiệm công khai theo đúng Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật chuyên ngành. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức, đoàn thể trong mỗi cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này; đồng thời kiên quyết bảo vệ người dám cung cấp thông tin…, để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào thực chất.
Đồng bộ và xuyên suốt các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ giúp việc phòng ngừa được thực hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn hiệu quả hành vi vi phạm từ trứng nước...