Người tiêu dùng cần chủ động
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 21/10/2022
Điển hình là các tổ chức, cá nhân lợi dụng thương mại điện tử (không giao dịch trực tiếp) để bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc; hàng hóa nhận được không đúng với hình ảnh quảng cáo trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử… Thậm chí, có doanh nghiệp vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), trong năm 2021, Cục tiếp nhận 1.261 đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng liên quan đến thương mại điện tử, đứng thứ hai trong các lĩnh vực về số lượng đơn, thư.
Về nguyên nhân, thương mại điện tử là lĩnh vực mới, rộng, phức tạp nên quy định pháp lý vẫn đang trong quá trình điều chỉnh, hoàn thiện. Vi phạm diễn ra trên không gian mạng nên khó kiểm tra, kiểm soát, xử lý. Hơn nữa, chính người tiêu dùng khi phát hiện hành vi vi phạm, như: Bán hàng giả, hàng nhái… hay bản thân bị vi phạm quyền lợi, mua phải hàng hóa không đúng như quảng cáo, cũng không phản ánh tới cơ quan chức năng để xử lý. Thực tế, số lượng vụ khiếu nại liên quan đến thương mại điện tử tăng dần theo từng năm nhưng vẫn còn ít so với số lượng giao dịch hay mức độ vi phạm.
Vậy làm thế nào để ngăn chặn vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng, xây dựng môi trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh?
Trước hết là khung khổ pháp lý đủ mạnh. Do đó, quy định pháp lý phải được điều chỉnh, bổ sung để bao quát đầy đủ, kịp thời các hành vi vi phạm trong bối cảnh tiến tới kinh tế số, xã hội số. Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, triệt phá các đường dây lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng nhái nhãn mác. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng thương mại điện tử lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Được biết, cơ quan chức năng đã xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi. Theo đó, quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Tổ chức vận hành nền tảng số trung gian phải có người đại diện phối hợp với cơ quan quản lý giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; có đầu mối tiếp nhận, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng… Tổ chức, cá nhân kinh doanh được xác định là nền tảng số lớn phải thiết lập kho dữ liệu quảng cáo, đánh giá định kỳ hoạt động kiểm duyệt nội dung…
Về phía người tiêu dùng, cần chủ động phản ánh hành vi vi phạm, nhất là kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… trên thương mại điện tử; đồng thời chủ động kiến nghị cơ quan chức năng xử lý khi bản thân bị vi phạm quyền lợi (mua phải hàng không đúng mẫu mã, chất lượng…). Kiến nghị, phản ánh của người tiêu dùng chính là cơ sở giúp cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn vi phạm tái diễn ảnh hưởng đến nhiều người tiêu dùng khác. Để người tiêu dùng dứt bỏ tâm lý ngại khiếu nại, cơ quan chức năng nên xây dựng nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, thủ tục tiếp nhận nhanh, gọn, đơn giản và đặc biệt cần sớm phản hồi kết quả tới người gửi phản ánh, khiếu nại. Mặt khác, cần có những vụ xử lý điểm, công khai để người tiêu dùng biết, trước khi được pháp luật bảo vệ, bản thân phải có trách nhiệm với quyền lợi của mình.