Chờ tư duy mới, khắc phục lối mòn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 23/10/2022
Thách thức chủ yếu đối với Bộ trưởng Bộ Y tế lúc này là tình trạng “chảy máu” nhân sự cơ sở y tế công và thiếu thuốc, vật tư y tế. Chỉ trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc do môi trường làm việc áp lực, trong khi thu nhập lại thấp... Trong khi đó, hàng chục sở y tế, bệnh viện tuyến trung ương báo cáo về tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, trang thiết bị y tế. Nguyên nhân chính là do việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; các cơ quan liên quan chưa tích cực đàm phán giá thuốc, chậm gia hạn đăng ký thuốc... Bên cạnh đó, thách thức đối với Bộ trưởng Bộ Y tế còn là duy trì thành tựu của công tác phòng, chống dịch Covid-19 giữa lúc tâm lý chủ quan đang có dấu hiệu ngày càng phổ biến.
Đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, thách thức chính là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có những công trình trọng điểm quốc gia. Nếu không hoàn thành kịp thời những công trình này, không những bỏ lỡ cơ hội phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến thu chi ngân sách, tăng trưởng kinh tế, mà còn dẫn đến tình trạng đội vốn, lãng phí nghiêm trọng... Đó còn là hàng loạt những bất cập, khó khăn tồn tại trong ngành từ nhiều năm qua, trong đó có những vướng mắc về cơ chế đầu tư...
Trước những thách thức này, các đại biểu Quốc hội - những người ấn nút phê chuẩn hai bộ trưởng - đều tin tưởng, kỳ vọng hai tân “tư lệnh ngành” sẽ có cách giải quyết hiệu quả. Trong phát ngôn ngay sau khi nhận nhiệm vụ, hai tân bộ trưởng đều đã cho thấy sự thấu hiểu những thách thức đặt ra, đồng thời khẳng định quyết tâm hành động.
Tuy nhiên, bên cạnh quyết tâm, thực tế đòi hỏi các “tư lệnh ngành” phải vào cuộc, tiếp cận và giải quyết vấn đề với tư duy đổi mới, khắc phục lối mòn và cả sự trì trệ đã kéo dài. Giải pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy công việc của hai ngành chính là cơ chế. Đối với ngành Giao thông - Vận tải, hoàn thiện cơ chế chính là chìa khóa để mở thông các nguồn lực, các hình thức đầu tư, nhất là các dự án theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), đối tác công tư (PPP)... Điều này có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn. Đối với ngành Y tế, nút thắt chính là cơ chế tiền lương, thu nhập cho nhân viên y tế, cơ chế đấu thầu, mua sắm...
Để giải quyết các thách thức này, hai “tư lệnh ngành” phải tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới, cho địa phương. Đặc biệt, phải gắn cải cách thủ tục hành chính với phương châm nơi nào làm tốt hơn thì phân cấp, ủy quyền cho nơi đó; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, “cát cứ”, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực...
Điều quan trọng nữa là hai tân bộ trưởng phải phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của ngành mình; thực hiện nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; nhất là phải tranh thủ sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của nhân dân. Trong đó, ý thức nêu gương, tinh thần dấn thân của các bộ trưởng phải trở thành điểm sáng để dẫn lối trong mỗi hành động, việc làm.