Không để quyết tâm... ''trên giấy''!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:19, 04/11/2022

(HNM) - Chiều qua (3-11), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã “mở hàng” phiên chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Một trong những vấn đề được cử tri Thủ đô đặc biệt quan tâm là việc di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội.

Về nội dung này, ngày 23-1-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Trong đó đã xác định nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời là ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất tải cho khu vực nội thành, bảo đảm cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch…

Thực hiện chủ trương này, Bộ Xây dựng đã rà soát 36 cơ quan thuộc đối tượng quy hoạch để xây dựng các phương án cụ thể. Phương án di dời các cơ quan, trụ sở cũng đã được đưa ra, cụ thể gồm 2 phương án: Thứ nhất là nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ, gồm 23 cơ quan, trong đó 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất và thực hiện đầu tư xây dựng mới, 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ. Thứ hai là nhóm 13 cơ quan đề xuất di dời.

Tuy nhiên đến nay, việc di dời thực hiện rất chậm chạp. Thậm chí, Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành dự kiến chỉ có thể hoàn thành vào cuối tháng 11-2022. Thực trạng công tác di dời các bệnh viện, trường đại học cũng tương tự… Không chỉ có vậy, việc có trụ sở mới nhưng không bàn giao đất tại trụ sở cũ cho thành phố Hà Nội quản lý vẫn phổ biến. Nhiều bệnh viện, trường đại học còn được nâng cấp, xây dựng mới với quy mô bề thế hơn ở nơi cũ trong khi cơ sở mới bỏ hoang, mà trường hợp Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở ở tỉnh Hà Nam là điển hình.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ Xây dựng cho biết là do nguồn vốn thực hiện di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng. Các bộ, ngành, thành phố Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời...

Như vậy là từ quyết tâm đến hành động cụ thể vẫn là quãng đường dài. Vì thế, thời gian tới, các bộ, ngành trung ương cần đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời...

Các bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan trong nội thành Hà Nội.

Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội, các địa phương trong vùng Thủ đô để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời, bảo đảm phù hợp với mục tiêu của Quyết định số 130/QĐ-TTg.

Việc di chuyển các trụ sở cơ quan, đơn vị khỏi vùng “lõi” của Thủ đô là cần thiết và cần biến quyết tâm chính trị này thành hành động trong thời gian sớm nhất.

Thế Đan