An toàn phải được đặt lên hàng đầu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:15, 05/11/2022
Để quản lý có hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người dân và cộng đồng, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động trong Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Theo đó, tại không gian này, các tổ chức, cá nhân thực hiện nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử nơi công cộng, có thái độ ứng xử văn hóa; trang phục lịch sự; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội; không có những hành vi, lời nói thô tục, thiếu văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục...
Quy chế cũng quy định không sử dụng các thiết bị, dụng cụ như loa, đài, kèn, trống để phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường, làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của không gian đi bộ. Các tổ chức, cá nhân khi mang phương tiện, dụng cụ, thiết bị âm thanh vào trong Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận để tổ chức hoạt động phải xuất trình văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức hoạt động.
Hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu... trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thực hiện theo quy định hiện hành. Việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận phải thực hiện thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức; đảm bảo tuân thủ quy định về hoạt động kinh doanh, điều kiện an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các quy định khác của pháp luật liên quan. Tổ chức, cá nhân có hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và các hoạt động khác thực hiện theo đúng nội dung cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện nghiêm túc các quy định về nội dung, trang phục, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, công tác phòng, chống dịch bệnh...
Sau khi quy chế có hiệu lực, hình ảnh các nhóm mang loa kéo, mở nhạc tự phát trên các tuyến phố nằm trong không gian đi bộ đã không còn, giúp người dân, du khách không phải bất đắc dĩ "thưởng thức" mớ âm thanh hỗn tạp kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy". Và hẳn nhiều người còn nhớ vụ việc một ca sĩ nổi tiếng biểu diễn miễn phí tại nhà riêng nằm trong không gian đi bộ thu hút nhiều người hâm mộ nhưng không xin phép nên đã bị nhắc nhở rồi phạt hành chính. Đáng mừng, sau đó, ca sĩ này đã nhận thức được vấn đề và tuân thủ nghiêm túc quy định. Với việc xin phép và tổ chức bài bản hơn, các buổi biểu diễn sau đó dù thu hút số lượng người xem rất lớn nhưng đã được lực lượng chức năng hỗ trợ bảo đảm an ninh, an toàn tốt hơn, bài bản hơn. Đó mới chính là cái được và cái đích lớn nhất mà các quy định hướng tới.
Vui, nhưng phải bảo đảm an toàn! Nhìn lại một số vụ việc đáng tiếc trên thế giới xảy ra gần đây, càng thấy hiệu quả thiết thực mà quy chế nói trên đem lại và mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm túc vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng.