Kết nối nguồn lực sáng tạo

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:49, 06/11/2022

(HNM) - Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội - 2022 với chủ đề thiết kế và công nghệ sẽ được tổ chức từ ngày 11 đến 18-11 với chuỗi hoạt động tạo nền tảng kết nối các nguồn lực và tài năng sáng tạo, như: Giới thiệu các sản phẩm sáng tạo trên nền tri thức dân gian đáp ứng nhu cầu đời sống đương đại; quảng bá nghệ thuật truyền thống kết hợp với sáng tạo và công nghệ; trình diễn nghệ thuật tương tác đường phố trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo… Đây là một trong những nỗ lực của thành phố nhằm hiện thực hóa hình ảnh một Hà Nội - Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế thuộc Mạng lưới Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Thành phố sáng tạo là nơi mà tính sáng tạo được xem như nguồn tài nguyên tạo ra của cải vật chất, là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần ấy, Hà Nội đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động sáng tạo cũng như thu hút lực lượng lao động sáng tạo và tạo ra các sản phẩm sáng tạo, qua đó hình thành một nền công nghiệp sáng tạo - công nghiệp văn hóa. Cùng với đó, thành phố đang khơi nguồn sáng tạo trong mỗi người dân để làm giàu kho tàng di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội; đồng thời tạo nên bản sắc riêng có của Thủ đô trong thời đại công nghệ và kinh tế tri thức.

Từ những lễ hội thiết kế sáng tạo thường niên với mục đích khẳng định tiềm năng, nâng cao nhận thức cộng đồng, kết nối các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo… đến hình thành cộng đồng sáng tạo, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn lực văn hóa… là cả một chặng đường. Theo giới chuyên gia văn hóa, Hà Nội cần xây dựng một hệ thống chính sách cũng như các chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa tầm nhìn, chiến lược Thành phố sáng tạo.

Bề dày văn hóa, lịch sử là nền tảng để Hà Nội xây dựng các kế hoạch phát triển bền vững. Trong đó, văn hóa sáng tạo cần được xem là một trụ cột trong quy hoạch thành phố, để từ đó hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc cho hoạt động thiết kế sáng tạo. Đã có nhiều đề xuất, đề án về việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành những không gian sáng tạo - nơi kết nối giới nghệ sĩ, nhà sáng tạo với việc trưng bày, trình diễn, truyền thông các sản phẩm nghệ thuật giải trí cho cộng đồng, qua đó cân bằng mục tiêu bảo tồn, phát triển và tạo điểm nhấn mới cho đô thị.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tham mưu thành phố khơi thông “điểm nghẽn”, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các thành phần kinh tế hợp tác, liên kết, đầu tư vào công nghiệp văn hóa, thiết kế sáng tạo. Đặc biệt là thúc đẩy khoa học công nghệ cho lĩnh vực này; kiến tạo thị trường lành mạnh cho từng ngành, lĩnh vực kinh tế sáng tạo. Mặt khác, tạo thuận lợi cho việc hình thành các trung tâm thiết kế sáng tạo, ươm mầm tài năng và mở rộng hợp tác quốc tế, kết nối mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo…

Điều quan trọng nhất với Thành phố sáng tạo là xây dựng cộng đồng sáng tạo. Cùng với việc tạo ra những sản phẩm giàu trí tuệ, có giá trị gia tăng cao, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp… cần chủ động triển khai giải pháp khuyến khích, phát triển năng lực thiết kế sáng tạo trong mỗi con người, thông qua từng sản phẩm công nghiệp văn hóa; đồng thời tạo động lực để các kiến trúc sư, nghệ sĩ, thợ thủ công… tham gia một cách có hiệu quả vào các kế hoạch, đề án thiết kế sáng tạo của thành phố.

Để Hà Nội xứng danh là một Thành phố sáng tạo thì hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế; kết nối nguồn lực, xây dựng cộng đồng sáng tạo là những việc cần phải làm!

Thế Văn