Vì lợi ích cộng đồng

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:17, 12/11/2022

(HNMCT) - Gần nhà tôi có một cơ sở công nghiệp nằm sát khu dân cư. Chẳng rõ có trong danh sách phải di dời khỏi nội đô hay không, nhưng thực tế cơ sở này đã ngừng sản xuất từ nhiều năm nay, nghe nói đã xây dựng nhà máy mới tại một tỉnh lân cận.

Nhưng, sau khi di dời nhà máy, lẽ ra quỹ đất phải được bàn giao cho Thành phố - để kiến tạo một công trình công cộng nào đó như trường học, vườn hoa, bãi đỗ xe…, thậm chí kể cả dự án nhà ở, miễn là phù hợp với quy hoạch - thì lại bị “xé lẻ” ra thành các nhà xưởng, kho bãi cho tư nhân thuê để sản xuất, kinh doanh. Thế là cư dân sống trong khu vực tiếp tục phải chịu đựng tiếng ồn, ô nhiễm và nhất là nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn.

Chuyện ở phường tôi chỉ là một ví dụ về tình trạng chậm di dời trụ sở bộ, ngành, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nhằm giảm tải cho hạ tầng đô thị, tạo quỹ đất xây dựng công trình công cộng, hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp, văn minh, phát triển bền vững…

Di dời các công sở ra khỏi trung tâm thành phố, thậm chí xây dựng hẳn một trung tâm hành chính mới tách khỏi thủ đô đang bị quá tải, là một giải pháp từ lâu đã được nhiều quốc gia lựa chọn, thực hiện. Đơn cử như Malaysia từ cuối thế kỷ trước đã tiến hành xây dựng thành phố thông minh Putrajaya để giảm tải cho thủ đô Kuala Lampua đang ngày càng đông đúc, chật chội. Tương tự, Indonesia cũng ấp ủ kế hoạch xây dựng thủ đô mới tại Nusantara. Còn ở Hàn Quốc, ý tưởng di dời thủ đô hành chính tới địa điểm mới đã xuất hiện cách đây hai chục năm…

Trở lại với chuyện di dời trụ sở bộ, ngành, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm Hà Nội. Mặc dù chủ trương tốt đẹp này đã được đề cập từ hàng chục năm nay, nhưng nhìn chung tiến độ khá “ì ạch”. Nhiều cơ quan, đơn vị bị “điểm danh” vẫn “giậm chân tại chỗ”. Không ít bộ, ngành, cơ sở giáo dục - đào tạo, y tế dù đã có trụ sở mới nhưng vẫn “ôm” trụ sở cũ. Thậm chí, khá phổ biến tình trạng trường đại học, bệnh viện tọa lạc giữa nội đô chẳng những chưa cho thấy dấu hiệu di dời mà còn tiếp tục xây dựng các tòa nhà mới trong khuôn viên, đồng nghĩa với việc tiếp nhận thêm nhiều người học, người bệnh… Hậu quả là hạ tầng đô thị càng quá tải bởi có thêm một lượng lớn người và phương tiện dồn vào khu vực trung tâm, làm gia tăng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rất nhiều tuyến đường, nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Đáng nói, theo nhận định của các chuyên gia giao thông, cho dù Nhà nước có đầu tư nhiều hơn nữa vào cải tạo, xây dựng đường sá, nhưng nếu không kiểm soát (hạn chế) được số lượng phương tiện cá nhân thì tình trạng ùn tắc ở Thủ đô sẽ khó mà được cải thiện.

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, tình trạng chậm di dời trụ sở bộ, ngành, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, không phù hợp với quy hoạch đã trở thành chủ đề nóng trong phiên chất vấn. Có đại biểu thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân là do công tác quản lý nhà nước bị buông lỏng trong thời gian dài và nhiều tổ chức, cá nhân cố tình chây ì, tiếp tục đề xuất giữ lại cơ sở nhà đất để sử dụng không đúng mục đích...

Vẫn biết di dời cơ sở gây ô nhiễm cũng như công sở, bệnh viện, trường học không phù hợp quy hoạch là công việc không hề đơn giản, trái lại còn vô cùng phức tạp, tốn kém kinh phí và thời gian, nhưng như thế không có nghĩa là “bất khả thi”. Những áp lực từ thực tiễn phát triển đô thị Hà Nội đòi hỏi phải được giải quyết khẩn trương, dứt điểm bằng nhiều giải pháp đồng bộ cùng với tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất trong diện phải di dời cũng cần ý thức được trách nhiệm của mình, dẹp bỏ lợi ích riêng vì sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô. Đặc biệt là việc quản lý, sử dụng quỹ "đất vàng" sau di dời phải phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, phù hợp với quy hoạch, đảm bảo mục tiêu giảm tải áp lực cho hạ tầng đô thị Hà Nội.

Hà Anh