Cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 14/11/2022

(HNM) - Đã thành thông lệ, cứ đến cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, vấn đề an toàn thực phẩm lại “nóng” lên, khiến người dân bất an, lo lắng. Thời điểm này, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng mạnh, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh đã trà trộn sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để bán cho người tiêu dùng, thu lời bất chính.

Hiện, thành phố Hà Nội có khoảng 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc, nên nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản, thực phẩm rất lớn. Đặc biệt, thị trường thời điểm cuối năm lại càng sôi động, là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông, đánh lừa người tiêu dùng. Tình trạng này làm tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trong khi đó, Hà Nội hiện có khoảng 18.000 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, phần lớn là nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư nên nguy cơ lớn mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao. Vấn đề nan giải nhất hiện nay là các mặt hàng rau, thịt, cá... bán ra thị trường, cũng như việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng này vẫn là một thách thức không nhỏ đối với các địa phương, nhất là ở hệ thống chợ dân sinh, khi mà nhiều tiểu thương chưa tuân thủ việc ghi chép sổ sách nhật ký, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Cơ quan chức năng dự báo, sức mua trên thị trường vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thường tăng 20-30% so với các tháng thường. Do vậy, các nhiệm vụ đặt ra trong việc kiên quyết bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian này càng nặng nề và cấp bách hơn, đòi hỏi những giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Trước hết, các ngành chức năng, địa phương của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm từ vật tư đầu vào đến công tác sơ chế, chế biến, tiêu thụ trên thị trường. Trong đó, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, như: Bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát, các loại thực phẩm (thịt, cá, trứng, sữa, trái cây) và các dịch vụ ăn uống. Cùng với đó là tăng cường giám sát nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ. Tập trung vào khâu hậu kiểm ở các doanh nghiệp tự công bố về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định (nếu có). Tăng cường nguồn lực để kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm và định kỳ công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm, từ đó đưa ra cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng.

Mặt khác, các địa phương, lực lượng chức năng cần giám sát chặt các tuyến đường, địa bàn giáp ranh, địa điểm tập kết hàng hóa, chợ đầu mối, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm phục vụ thị trường Tết… Đồng thời, đẩy mạnh vận động doanh nghiệp và nhân dân tham gia giám sát, phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, xử lý nghiêm các hành vi lưu thông hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kiên quyết bảo đảm an toàn thực phẩm.

Về phía các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cần nâng cao trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nói không với kinh doanh hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đối với người tiêu dùng, cần kiên quyết tẩy chay thực phẩm bẩn; tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm.

Bắc Vũ