Giọng Chầu, ai hát say say khéo
Xã hội - Ngày đăng : 10:12, 28/08/2007
Hát Chầu văn hay còn gọi là hát Văn, hát Bóng là loại hình ca nhạc chuyên sử dụng trong các nghi lễ thờ cúng ở các đền, miếu, phủ xưa, đặc biệt là khi ngồi đồng. Nếu như trước đây với cái nhìn ở góc độ tín ngưỡng tôn giáo, hát Chầu văn là phương tiện giao tiếp giữa "dân gian" với "thần linh", thì ngày nay mạnh dạn bỏ đi những lớp vỏ hoang đường, thần thánh, hát Chầu văn là một loại hình nghệ thuật truyền thống. Hát văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Từ lâu, cả ba miền trong nước đều có hát Chầu văn: ở Bắc bộ với các làn điệu: Dọc, Cờn, Xá, Chèo đò; ở miền Trung (chủ yếu ở Huế) có các giọng: Đằng, Thái, Tẩu... và Nam bộ thường là ba thể điệu đặc thù của nhạc cổ miền Nam. Chầu văn cổ vốn là một loại hình diễn xướng tổng hợp bao gồm: đàn, hát, múa; dung hòa giữa nghệ thuật và tín ngưỡng tôn giáo; tiết tấu đi từ chậm sang mau.
Về nguồn gốc của Chầu văn, thật khó có thể xác định một thời điểm cụ thể sự ra đời của loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, một số Cung văn nay cao tuổi cho rằng, Chầu văn có nguồn gốc từ tục thờ Liễu Hạnh (bắt đầu từ thế kỷ XVI-XVII trở đi). Đối tượng (chầu) của Chầu văn cổ truyền là một hệ thống tên tuổi các nhân vật trong tín ngưỡng về tứ phủ (Trời, Đất, Núi, Sông). Các nhân vật này được phong sắc phổ biến vào thời Hậu Lê. Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát Văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Vào giai đoạn này thường có các cuộc thi hát để chọn người hát cung văn. Từ năm 1954, hát Văn dần dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan. Cho đến năm 1962, lần đầu tiên Chầu văn Nam Định xuất hiện trên sân khấu hội diễn ca múa nhạc dân tộc ở Hà Nội với ý nghĩa thoát ly khỏi mục đích Chầu, mang tên gọi là hát Văn. ít lâu sau, hát Văn được đưa lên Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát nghệ sĩ ưu tú Kim Liên, báo hiệu thời kỳ đổi mới của một loại hình ca múa nhạc truyền thống. Những bài hát: Gái đảm Nam Hà; Mùa sen dâng Bác; Qua sông nhớ bến, nhớ người; Trẩy hội quê hương... một thời làm nên thành công rực rỡ của Chầu văn bằng những cách tân về âm nhạc và nội dung của lời hát. Đến đầu những năm 1990, hát Văn lại có cơ hội phát triển, đặc biệt ở các trung tâm hát Văn ở Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội.
Gắn với một phức hợp tín ngưỡng của người Việt, sau nhiều thế kỷ phát triển, hát Văn đã xây dựng được những kiểu gõ nhịp và một hệ thống làn điệu bài bản phong phú với những quy ước về cách vận dụng cho từng hàng thánh và từng loại phủ. Chỉ riêng về mặt âm nhạc, Chầu văn đã trải qua nhiều thay đổi, thêm thắt những tiết tấu, điệu thức để cấu tạo thành các tổ khúc mới. Theo nhận xét của các nghệ nhân địa phương, Chầu văn cho đến nay đã trải qua ba thời kỳ: Thời kỳ đầu, Chầu văn rất ít điệu hát, các nhịp còn rời rạc; Về sau, các nhịp điệu Chầu văn có phong phú hơn, song vẫn còn chất phác với những lối hát thẳng, ít luyến láy; đến những năm gần đây, âm nhạc Chầu văn thực sự sinh động với một bộ nhạc kết hợp rất chặt chẽ.
Hát văn có hai loại là hát thờ và hát lên đồng: Hát thờ được hát trước ngày tiệc, đầu rằm, mồng một, ngày tất niên và hát trước khi vào các giá văn lên đồng; Hát lên đồng, hay còn gọi là hát hầu bóng là: người theo tín ngưỡng hầu bóng từ hàng dưới các đức thánh mẫu quyền uy trong Tứ phủ công đồng, đó là hệ thống chầu các quan Hoàng trở xuống. Hầu đồng là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ phủ vào thân xác ông Đồng bà Cốt. Trong nghi lễ đó, hát Văn phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh. Sau khi đã múa, các thánh thường ngồi nghe cung văn hát, kể sự tích lai lịch vị thánh đang giáng. Với các giá ông Hoàng thì Cung văn ngâm các bài thơ cổ. Thánh biểu hiện sự hài lòng bằng động tác về gối và thưởng tiền cho cung văn. Lúc này cũng là lúc thánh dùng những thứ người hầu đồng dâng như: rượu, thuốc lá, trầu nước...
Chầu văn bao giờ cũng đề cập tới chuyện vui chơi của các vị thánh thần. Khi các đồng cô, đồng cậu đã nhập vào người lên đồng, thì cuộc sống thần tiên bắt đầu. Tới cao trào, bóng thường hay múa gươm hoặc bơi thuyền. Cung văn phi chuyển sang "nhịp một" sôi nổi kích động. Trống thanh la gõ rộn ràng và hòa khoan theo làn điệu Chèo đò phù hợp với động tác chèo thuyền của bóng. Giai điệu hát Văn mượt mà, hấp dẫn. Tham dự lễ lên đồng, bất kỳ ai cũng đều cúi đầu trước hương án, tư lự với hương trầm, gật gù thưởng ngoạn những sắc màu lung linh, nhưng để họ say đắm mà quên mình đi, để thăng thoát trong phút chốc có lẽ không thể bỏ qua sự du đẩy của tiếng đàn ngọt, giọng Chầu hay:
Cô về tâu với thiên đài
Thu giam hồn phách bỏ ngoài giang tân
Làm cho mê mẩn tâm thần
Làm cho chuyển động tấm thân mơ màng
Cứ vậy, đàn ca sáo nhị triền miên xênh xang, cũng là cái cớ tự ru hời, tự khen mình đẹp xinh, tự khích lệ mình là con cháu những thần thiêng thánh giỏi có tài chống giặc giữ nước, có tấm lòng cứu độ chúng sinh thoát nghèo đói, bệnh tật.
Hát văn và hầu bóng được cho rằng có nguồn gốc từ văn hóa ca múa nhạc tôn giáo của người Chăm, nên trong các điệu thức của hát văn cũng có điệu hát giàn (điệu hát của người Chăm). Cung văn khi hát phải hát sao cho thể hiện tâm lý tình cảm của các nhân vật nên giọng hát cũng phải luôn chuyển đổi. Vì thế mà chỉ trong một thể hát có nhiều dạng khác nhau: thể phú thì có phú dựng, phú chênh để diễn tả tâm trạng vui, phú rầu để diễn tả tâm trạng buồn. Những khi thay đổi dạng thức, thì âm nhạc đều chuyển điệu thức 5 âm để phụ họa theo. Người hát Chầu văn chuyên nghiệp phải biết đánh đàn nguyệt giỏi, có giọng hát hay, thuộc nhiều điệu hát. Ngoài hát còn có trống, thanh phụ hoạ, đòi hỏi cung văn phải nhanh, linh hoạt để vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc cho ăn khớp mà vẫn hay, vẫn sát vai của người ngồi đồng.
Mặt sắt cũng say câu hát khéo
Bút son khuyên lấy giọng Chầu hay
Bên cạnh ba hệ thống làn điệu của riêng mình: Cờn, Dọc, Xá, hát Văn còn thu nạp nhiều bài bản, làn điệu từ các thể loại dân ca nhạc cổ khác. Nhịp điệu và bộ gõ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng này. Nếu như không khí, nhịp điệu trong ca trù thính phòng là êm đềm, réo rắt, trầm bổng thì không khí, nhịp điệu trong hát Văn ngược lại hẳn. Nó mang tính chất sôi nổi, kích động cộng với trống phách, thanh la rộn ràng làm cho buổi hầu đồng luôn trong không khí tưng bừng. Chúng tạo nên một không khí hưng phấn cao, góp phần giúp người ngồi đồng có cảm giác thoát xác để nhập thân với các vị thánh, đồng thời kết hợp với yếu tố tâm linh chúng góp phần tạo nên một trạng thái tinh thần đặc biệt khiến người ta có thể thực hiện những việc mà ở trạng thái bình thường khó có thể làm nổi.
Mặc dù nghệ thuật hát Chầu văn vẫn chưa phổ biến sâu rộng đối với công chúng, nhưng những giai điệu này đã bổ sung, làm phong phú thêm cho dòng nhạc dân tộc. Hát văn cùng với tục hầu bóng tiêu biểu cho một loại hình sinh hoạt tín ngưỡng tồn tại nhiều tộc ở nước ta. Ngoài yếu tố tâm linh, sự hấp dẫn của phần ca nhạc đã khiến nhiều người say mê. Câu hát Văn hôm nay đã trở thành món ăn tinh thần rất quen thuộc và ưa thích thu hút cảm tình của biết bao khán giả xa gần. Đó là những gì mà các nghệ sĩ trong trang phục áo dài khăn đóng (nam), áo tứ thân (nữ) với hình thức biểu diễn ngồi trên chiếu đã giới thiệu với công chúng.
Ngọc Ánh