Cũng là văn hóa doanh nghiệp
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:23, 03/12/2022
Một đồng nghiệp đã bức xúc “tường thuật” lại cú điện thoại anh nhận được lúc đầu giờ sáng, và than thêm rằng thường xuyên bị làm phiền bởi vô số cuộc gọi tương tự.
Thực ra chuyện này không lạ, bản thân tôi và rất nhiều người hằng ngày cũng thường xuyên nhận được những “cuộc gọi rác” như vậy. Toàn giọng “nam thanh, nữ tú” mời chào mua trái phiếu, chứng khoán quốc tế, bất động sản nghỉ dưỡng ở biển hay biệt thự có bể tắm khoáng nóng trên núi..., với rất nhiều lợi ích hấp dẫn, đặc biệt là cam kết lợi nhuận cao, đến nỗi người nghe điện thoại - đa phần là dân buôn bán nhỏ hoặc giới làm công ăn lương, nhờ gom nhặt, tiết kiệm mà có chút vốn lo tương lai - cảm thấy đó là một cơ hội đầu tư hấp dẫn, khó mà bỏ qua...
Nhưng nếu chỉ như vậy còn đỡ. Có những “cuộc gọi rác”, như nhiều người nói là “nghe xong chỉ muốn... đập điện thoại”! Phần lớn cuộc gọi kiểu đó mang tính hù dọa, người nghe chỉ nhận được giọng nói lơ lớ (có thể do phát từ máy ghi âm) rằng người gọi đại diện cho cơ quan chức năng nào đấy thông báo về quyết định xử phạt, thi hành án hay thông báo nợ cước điện thoại... và yêu cầu người nghe nộp tiền vào số tài khoản xyz... “Nói có sách, mách có chứng”, một họa sĩ kiêm nghệ sĩ nhiếp ảnh mới đây đã đăng lên trang cá nhân về “cuộc gọi rác” anh nhận được, nội dung rằng: “Theo hồ sơ thì gần đây thành phố có gửi hai giấy triệu tập, anh có nhận được không?”, và khi nghe anh xẵng giọng, thậm chí... văng tục thì phía bên kia cúp máy luôn!
Ấy là anh họa sĩ kia thuộc dạng “cứng”, chứ chẳng cứ các cụ cao tuổi, cả tin, ít va chạm thực tế..., mà không ít người có kiến thức, kinh nghiệm thương trường hẳn hoi cũng "sập bẫy” những cuộc gọi lừa đảo như vậy. Báo chí, mạng xã hội mấy năm gần đây nêu nhiều chuyện, dẫn chứng về những nạn nhân của các cuộc gọi lừa đảo. Đối với những trường hợp “được” mời đầu tư mua nọ mua kia thì “cái bẫy” đưa ra cực kỳ tinh vi (do phía mời gọi rất biết “lách luật”), còn các “nhà đầu tư” thường không xem xét thấu đáo các điều khoản hợp đồng, vì thế cơ quan chức năng khó có căn cứ để xử lý rốt ráo...
Chuyện không ít người bị “sập bẫy”, mất tiền, thậm chí mất trắng, hoặc lợi ích không được như mong muốn bởi các “cuộc gọi rác”, trước hết bắt nguồn từ “lòng tham của con người”, như nhiều người ngoài cuộc đã thẳng thắn nhận định. Tuy nhiên, không phải vô cớ mà ngày càng có nhiều “cuộc gọi rác”, không những làm phiền, gây bức xúc, mệt mỏi về tinh thần mà còn có nguy cơ gây thiệt hại cho người dân. Mặc dù các cơ quan chức năng và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã phối hợp bàn luận, nghiên cứu giải pháp, cụ thể là hướng dẫn người dân khi nhận được cuộc gọi rác thì nhắn tin phản ánh vào tổng đài 5656 (miễn phí), đồng thời cam kết ngăn chặn, thế nhưng vấn nạn này vẫn chưa thấy giảm. Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 74 triệu “cuộc gọi rác”, tăng 53% so với cùng kỳ của năm 2021!
“Cuộc gọi rác”, theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP là gọi điện thoại quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc gọi điện thoại quảng cáo vi phạm các quy định về gọi điện thoại quảng cáo. Tuy nhiên, việc thực tế có nhiều "cuộc gọi rác" gọi đích danh tên chủ thuê bao điện thoại còn cho thấy vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân đang bị buông lỏng. Bởi thế, để ngăn chặn tình trạng này không thể chỉ dựa vào phản ánh của người dân, mà các nhà mạng phải vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là xóa dứt điểm vấn nạn "sim rác" tràn lan, trôi nổi, đồng thời bịt "lỗ hổng" an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của khách hàng, cho dù phải hy sinh một phần lợi ích của doanh nghiệp. Bởi việc thực hiện nghiêm những yêu cầu này cũng chính là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và là một phần của văn hóa doanh nghiệp.